Phú Thọ: Đưa sở hữu trí tuệ thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

19:49 27/05/2023

Thời gian qua, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã mở ra hướng đi mới cho các đơn vị, đưa sở hữu trí tuệ (SHTT) thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từng bước góp phần tạo lập, duy trì và phát triển thương hiệu.

Sản phẩm quế xã Trung Sơn, huyện Yên Lập
Sản phẩm quế xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, đến nay đã có 38 sản phẩm được đăng ký bảo hộ SHTT dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Đặc biệt, trong hai năm vừa qua đã hỗ trợ, triển khai thực hiện tám dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, có lợi thế phát triển của địa phương như: Nhãn hiệu chứng nhận dê Thanh Sơn; Chè Đá Hen; vải chín sớm Hùng Long…

Các sản phẩm sau khi được xác lập, bảo hộ SHTT đã thực sự phát huy hiệu quả. 100% sản phẩm sau bảo hộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên thị trường, tác động mạnh mẽ đến giá trị và tạo thị trường tiêu thụ ổn định không chỉ tại hệ thống các siêu thị mà còn tại hệ thống các kênh phân phối tiêu thụ khác, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, hợp tác xã (HTX).

Chuối tiêu Bản Nguyên, huyện Lâm Thao
Chuối tiêu Bản Nguyên, huyện Lâm Thao.

Ông Khổng Danh Đạt - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế như hiện nay thì nhu cầu về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu ấy, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT.

"Hỗ trợ hoạt động tạo lập, khai thác và phát triển bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh", ông Đạt cho biết thêm.

Có thể thấy, việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ trong thời gian qua đã được quan tâm triển khai phù hợp với điều kiện thực tế thông qua nhiều đề án, dự án qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc xác lập, phát huy và bảo vệ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

P.V