Cần có các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra nước ngoài

15:49 24/02/2023

Đề xuất tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”, sáng 23/2, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, trên cơ sở nghị quyết của Đảng, cần có các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra nước ngoài.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong hành trình đi ra quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) tại Hội nghị, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết: Viettel bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006, đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD.

“Năm 2006, Viettel mới là “tân binh” trên thị trường viễn thông Việt Nam với 2 triệu thuê bao và hoàn toàn “vô danh” với thế giới. Năm 2022, thương hiệu Viettel đạt gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới, số 1 tại Đông Nam Á. Viettel đã góp phần tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên toàn thế giới; góp phần đẩy mạnh quan hệ ngoại giao của đất nước với các quốc gia đang đầu tư và góp phần truyền bá rộng rãi hình ảnh con người Việt Nam”, ông Thắng nói.

Ảnh minh họa
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel đề xuất cần có các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra nước ngoài. Ảnh: Hoài Anh. 

Không chỉ mở rộng thị trường, tạo không gian phát triển mới, bên cạnh thị trường viễn thông, Viettel còn có cơ hội mở rộng không gian cho các lĩnh vực khác của các doanh nghiệp thành viên như bưu chính, công trình, tài chính số và thời gian tới đang là các dịch vụ về giải pháp số, an ninh mạng, sản xuất thiết bị. Đồng thời, tạo ra môi trường để đào tạo con người; đào tạo cho đất nước, tập đoàn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ nhiệt huyết, làm việc chuyên nghiệp, tự tin.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, để đạt được thành công vượt trội này, Viettel đã từng gặp rất nhiều thách thức khi hoạt động tại thị trường nước ngoài.

Đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị, luật pháp; sự bất ổn chính trị một số nơi. Cùng với đó là những tranh chấp pháp lý tại một số thị trường và rủi ro về tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ.

Thời điểm mới hoạt động ở nước ngoài, Viettel đi ra nước ngoài đơn lẻ, không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng nên không tạo được sức mạnh cộng hưởng. Tập đoàn cũng gặp không ít khó khăn khi chưa có hiệp định bảo hộ đầu tư và hiệp định tránh đánh thuế hai lần ở một số quốc gia.

Nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm, ông Thắng cho biết, thành công có được từ thực tế là phải luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; luôn thượng tôn pháp luật và đặc biệt, phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh.

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài, ông Thắng đề xuất cần có các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra nước ngoài và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn trở thành các “sếu đầu đàn”, dẫn dắt các doanh nghiệp khác tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển.

“Cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có đủ các quy định cho các hoạt động tại nước ngoài như mua bán sáp nhập, thoái vốn tại nước ngoài. Nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế của quan của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mở thị trường; giải quyết các khó khăn vướng mắc”, ông Thắng nói.

Hoài Anh