Các ngành hàng cần sẵn sàng khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

10:43 02/07/2024

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi xanh và không đáp ứng đủ điều kiện nếu EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Ngày 1/7, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU thông báo rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào ngày 1/1/2026. Bốn ngành hàng của Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tác động từ chính sách này là thép, nhôm, xi măng và phân bón.

Từ năm 2017, giá một hạn ngạch của Hệ thống Thương mại Quyền phát thải của EU (EU-ETS) đã tăng mạnh từ 5 euro/tCO2 lên hơn 100 euro/tCO2. Khi CBAM được áp dụng, giá carbon bắt buộc ở các nước xuất khẩu sẽ được tính toán, và các nhà xuất khẩu sẽ phải trả khoản chênh lệch so với giá hạn ngạch của EU-ETS.

Các ngành hàng cần sẵn sàng khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Các ngành hàng cần sẵn sàng khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU gồm nông sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, giày dép, thủy hải sản, sắt thép, máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị. Những ngành hàng chịu tác động của CBAM bao gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Trong đó, Việt Nam không xuất khẩu điện và lượng xuất khẩu hydro không đáng kể, do đó việc đánh giá tác động CBAM chỉ tập trung vào 4 ngành: Xi măng, sắt thép, nhôm và phân bón.

Bốn ngành này sẽ có hai năm trước khi CBAM chính thức áp dụng để thực hiện "chuyển đổi xanh" hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon khi xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, từ ngày 1/10/2023, các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào EU đã phải thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính, đòi hỏi họ phải triển khai các biện pháp giảm phát thải từ trước đó.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng, tác động của CBAM có thể trở nên đáng kể hơn đối với Việt Nam nếu phạm vi áp dụng được mở rộng sang các loại hàng hóa khác trong tương lai. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi xanh và không đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài các tác động kinh tế, CBAM cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách khí hậu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, và kinh tế tuần hoàn. Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm phát triển bền vững, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Để cuộc cách mạng xanh thành công, cần sự tham gia của các bên, từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ, đến sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người dân. Sự hiểu biết về kinh doanh bền vững và giảm phát thải đã được nâng cao rõ rệt trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với nhiều doanh nghiệp lớn đã nhanh chóng chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa quan tâm thỏa đáng. Thời gian tới, cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định trong nước và quốc tế.

Như vậy, cần có những quyết sách mạnh mẽ để cụ thể hóa quan điểm "đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững" và huy động được nguồn lực xã hội hóa cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

P.V (t/h)