Bộ Tài chính đánh giá về hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

09:27 04/09/2023

Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật số 69/2014/QH13).

Hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi.
Hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. Ảnh nguồn internet

Đây là bước quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước trong tình hình mới của nền kinh tế Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, quá trình đánh giá hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã phát hiện ra một số tồn tại và hạn chế trong việc thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, việc đầu tư vốn nhà nước chưa được thực hiện một cách chủ động, kịp thời và linh hoạt, dẫn đến nhiều trục trặc trong quá trình quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, như trong việc đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, và Công ty đường sắt đô thị số 1 TPHCM.

Một điểm đáng chú ý khác là việc lĩnh vực và ngành nghề đầu tư vốn nhà nước cần phải được điều chỉnh theo hướng phù hợp với các quy định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quá trình đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, với việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, nhưng chưa rõ ràng trong đầu tư công. Điều này đã tạo ra sự không rõ ràng trong quy trình đầu tư và quản lý vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DN F1) còn bất cập trong thực tiễn, như việc DN F1 cho vay đối với các doanh nghiệp có vốn góp của mình (DN F2). Thẩm quyền quyết định việc đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định của doanh nghiệp dựa vào giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính và tham chiếu mức vốn của dự án theo Luật đầu tư công để phân cấp cũng đang gặp khó khăn.

Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) nhằm thích nghi với tình hình mới của kinh tế và xóa bỏ những hạn chế và tồn tại hiện tại. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống pháp luật đồng bộ và thống nhất, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại dự thảo Tờ trình này, Bộ Tài chính nêu rõ 6 chính sách với mục tiêu, giải pháp, lý do lựa chọn chính sách rất cụ thể. Dự thảo Luật đề xuất 6 chính sách gồm:

Chính sách 1: Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp với mục tiêu xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ", bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Chính sách 2: Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhằm quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp với mục tiêu tối đa hóa giá trị cho xã hội thông qua phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng.

Chính sách 3: Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, quy định cụ thể, phân cấp rõ trong Luật để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Việc đầu tư của doanh nghiệp thực hiện thống nhất trong Luật này và quy định rõ quy trình, trình tự được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp so với pháp luật đầu tư hiện hành.

Chính sách 4: Về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chính sách 5: Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng.

Chính sách 6: Về quản trị doanh nghiệp: Xác định một số nội dung về quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế. Nhà nước thực hiện tăng cường công tác giám sát đối với Tập đoàn kinh tế trong hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ.

Dự thảo Tờ trình cho biết, thời gian dự kiến trình thông qua Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi) là quý 4/2024 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Việc sửa đổi Luật này là một phần của nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hiệu quả của đầu tư vốn nhà nước và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong tương lai. Điều này đồng thời giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Minh Hòa