Bộ NN&PTNN đề xuất chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển

06:42 17/06/2021

Cơ sở sẽ nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa bờ trên 6 hải lý; 0,4 triệu đồng cho 1m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển cách bờ từ 3-6 hải lý...

Điều kiện và mức hỗ trợ

Mới đây, tại dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển; cơ sở sản xuất sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.

Lâu nay, người dân vẫn chủ yếu nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, công nghệ lồng nuôi lạc hậu, không chịu được sóng gió lớn

Lâu nay, người dân vẫn chủ yếu nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, công nghệ lồng nuôi lạc hậu, không chịu được sóng gió lớn.

Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản quy định chính sách về đầu tư; bảo hiểm; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác để phát triển thủy sản.

Đối tượng áp dụng gồm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: Nuôi trồng thuỷ sản, Khai thác thuỷ sản, Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản được hưởng các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác theo quy định tại Nghị định này; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các chính sách được quy định tại Nghị định.

Một trong những nội dung đáng chú ý là điều kiện được hỗ trợ đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cơ sở sản xuất sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.

Về vấn đề này, dự thảo nêu rõ, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển đáp ứng các điều kiện gồm: Đã được cấp Giấy phép nuôi biển và được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển, quy mô nuôi tối thiểu 5ha hoặc có 10 lồng nuôi trở lên; hoặc công suất 300 tấn sản phẩm nuôi/năm trở lên;

Thể tích lồng tối thiểu 1.000m3/lồng; bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương;

Các cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển có công suất sản xuất 5 triệu giống/năm trở lên.

Về mức hỗ trợ, dự thảo nêu rõ, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển sẽ nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa bờ trên 6 hải lý; 0,4 triệu đồng cho 1m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa bờ từ 3-6 hải lý.

Các cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển được hỗ trợ 30% giá trị đầu tư mới nhưng không quá 10 tỷ đồng/cơ sở hoặc nâng cấp nhưng không quá 5 tỷ đồng/cơ sở.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị phê duyệt hỗ trợ

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất.

Nuôi biển theo công nghệ Na Uy tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Nuôi biển theo công nghệ Na Uy tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Hồ sơ bao gồm: Đơn xin hỗ trợ một lần sau đầu tư; giấy phép và quyết định giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản (đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển); hồ sơ thiết kế, xây dựng, hoàn công, hồ sơ quyết toán của dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, thông báo cho tổ chức, cá nhân kết quả thẩm định.

Theo dự thảo, Sở Tài chính phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, tham mưu UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

Định kỳ trước ngày 15/10 hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương.

Kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách cấp tỉnh hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước và mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

Chính sách bảo hiểm

Theo dự thảo, Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác thuỷ sản; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển:

Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá; bảo hiểm tai nạn cho cá nhân làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; thuyền viên làm việc trên tàu và xà lan chuyên dụng dịch vụ cho cơ sở nuôi biển công nghiệp. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với các cơ sở nuôi biển ngoài 06 hải lý và vùng biển khơi.

Hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu), bảo hiểm lồng bè, phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 03-06 hải lý.

Hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thiết bị của các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển ngoài 6 hải lý và vùng biển khơi; hỗ trợ 20% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

Trần Linh