An Giang là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh bao gồm: gạo, thuỷ sản, rau quả. Ngoài ra, may mặc cũng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh. Nhằm thực hiện Chỉ thị số 26/CT – TTg ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn; và triển khai kế hoạch thực hiện công tác Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 của tỉnh An Giang đạt 930 triệu USD. Đối với thị trường các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP, An Giang xuất khẩu đạt 125,4 triệu USD, tăng 22,6% về kim ngạch so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt 53,34 triệu USD (cụ thể: thủy sản tăng 2,86%, gạo tăng 20% về kim ngạch so với năm 2019). Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh An Giang vào thị trường các quốc gia tham gia vào Hiệp định RCEP đạt 283,9 triệu USD.

Trong đó, An Giang xuất khẩu vào các quốc gia tham gia Hiệp định EVFTA là 55,77 triệu USD (tăng 5,4% so với năm 2020) và các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP là 145 triệu USD (tăng 16% so với năm 2020). Đó cũng là một trong những mục tiêu mà UBND tỉnh An Giang đặt ra trong kế hoạch triển khai thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế năm 2021.

Zalo
Gạo Hạt Ngọc Trời được trồng trên vùng nguyên liệu theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch và chế biến, đạt tiêu chuẩn HACCP Châu Âu.

Lãnh đạo tỉnh An Giang yêu cầu các sở ngành phải triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn về dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp phù hợp Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI) tỉnh An Giang.

An Giang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp đầu tư đổi mới, hoàn thiện thiết bị, công nghệ và sản xuất thử nghiệm, quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tỉnh An Giang cũng tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Tỉnh cũng sẽ có kế hoạch cụ thể mời gọi hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển các vùng nguyên liệu theo từng thị trường xuất khẩu.

Đối với các hợp tác xã (HTX), An Giang tập trung phát triển các HTX có sự gắn kết với các doanh nghiệp kinh doanh tạo thành một chuỗi liên kết. Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; năm 2021, An Giang phấn đấu phát triển 60 hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh, trong đó có 30 hợp tác xã thành lập mới. Phấn đấu giai đoạn 2020-2025, phát triển mới 200 HTX gắn xây dựng vùng nguyên liệu gạo, nếp, rau màu và cây ăn quả. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện Đề án "OCOP_AG", An Giang tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất (giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất, chăm sóc,...) đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (công nghệ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ trên thị trường).

Zalo
Các sản phẩm Ocop An Giang đạt 4 sao.
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn về dịch bệnh, An Giang sẽ phối hợp cùng tham tán Việt Nam tại các nước xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn ra (như Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản,...) và đoàn vào (như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung, Ấn Độ,...) nhằm xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài; duy trì kết nối, giao thương, giữ mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với các đối tác truyền thống. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện các hình thức giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, An Giang sẽ chú trọng triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực như đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; các tổ chức kinh tế chính trị xã hội; các hiệp hội nghề nghiệp...phù hợp với Đề án An Giang điện tử và Chương trình Chuyển đổi số tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cả về quy mô và chất lượng, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo và cơ cấu trình độ nghề nghiệp. Tập trung đầu tư cho đào tạo nghề trình độ cao nhằm tạo ra một đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề vững, đủ khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị kỹ thuật hiện đại, có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu Hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Trong đó, Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA được đánh giá là các FTA thế hệ mới, toàn diện và sâu rộng. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Gọi tắc là Hiệp định RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 15/11/2020. Đây được xem là FTA có quy mô thị trường lớn nhất thế giới và trình độ phát triển của các nước thành viên đa dạng nhất với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).