ACV ghi nhận khoản phải thu với Bamboo Airways là 1.364 tỷ đồng

11:00 15/07/2023

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV cho biết, các khoản phải thu từ hãng bay Bamboo Airways là 1.364 tỷ đồng phải thu đối với hãng bay nói trên, tăng 10,8% so với số đầu năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bamboo Airways không công bố chi tiết khoản phải trả người bán thuộc về các đơn vị nào. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ BCTC của nhiều doanh nghiệp, có nhiều đơn vị trong ngành hàng không đang ghi nhận những khoản phải thu, thậm chí là nợ xấu với CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến khoản phải thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) với Bamboo Airways. Cụ thể, tại ngày 31/3, ACV ghi nhận 1.364 tỷ đồng phải thu đối với hãng hàng không trên, tăng 10,8% so với số đầu năm.

Ngoài ra, ACV còn ghi nhận 1.160 tỷ đồng nợ xấu của Bamboo Airways , tăng 16,3% so với đầu năm. ACV cũng đã phải trích lập 459,5 tỷ đồng để trích lập khoản nợ xấu của Bamboo Airways, tăng 75 tỷ đồng so với đầu năm.

Ảnh minh họa.

Không chỉ riêng ACV, CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã chứng khoán: SGN) cũng có những khoản phải thu đối với Bamboo Airways.

Trong đó, con số này trên BCTC hợp nhất quý I của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn là 50,8 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm còn của Sasco là 65,8 tỷ đồng, tăng 19%.

Tổng cộng các khoản phải thu và nợ xấu từ 3 đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất này là 2.640 tỷ đồng.

Thời gian qua, tin đồn về việc CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) "dự kiến nộp hồ sơ xin phá sản" đã lan truyền trên mạng xã hội. Hôm qua (14/7/2023), hãng hàng không này đã có phản hồi chính thức.

Theo thông cáo báo chí gửi đi, Bamboo Airways cho biết, vẫn đang hoạt động ổn định. Trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ. Hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.

Tại BCTC kiểm toán năm 2022, Bamboo Airways có gần 3.087 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 1.315 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, 551 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác.

Đồng thời, nợ vay tài chính ngắn hạn là 10.114,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Toàn bộ tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả do vốn chủ sở hữu đã âm 835 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức ĐHĐCĐ và bầu ra 07 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028, bao gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ, bổ sung và thay thế cho các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã từ nhiệm. 

Cùng với đó, ĐHĐCĐ cũng đã bầu 03 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 là bà Nguyễn Thị Hữu, bà Nguyễn Bích Ngọc, ông Nguyễn Đăng Khoa, bổ sung và thay thế cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

Cùng ngày, HĐQT Bamboo Airways cũng đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.

Phát biểu tại sự kiện, ông Oshima Hideki nhấn mạnh, tính an toàn là yếu tố tiên quyết trong hàng không, tiếp theo đó là việc cung cấp dịch vụ chất lượng cho hành khách. “Để làm được điều này, sự vui vẻ và hạnh phúc của các nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân sự tuyến đầu là yếu tố then chốt. Bởi vậy, tôi sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ và sát cánh với các nhân viên để thúc đẩy tinh thần đồng đội xuyên suốt từ ban lãnh đạo”, ông Oshima Hideki cho hay. 

Theo ông, yếu tố quan trọng để cải thiện lợi nhuận trong lĩnh vực hàng không xuất phát từ việc mỗi nhân viên sẽ phải có trách nhiệm với chi phí của chính bộ phận mình. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải có ý thức và tư duy của người làm quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là văn hóa doanh nghiệp mà ông mong muốn sẽ xây dựng và lan toả tại Bamboo Airways. 

Tân Chủ tịch Bamboo Airways có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các cảng hàng không, hãng bay lớn của châu Á như: Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Japan Airlines – Nhật Bản, Phó Tổng Giám đốc Sân bay Narita Tokyo – Nhật Bản, Giám đốc dự án Sân bay Haneda Tokyo – Nhật Bản, …

Theo đó, doanh thu và biên lợi nhuận năm 2022 của Bamboo Airways tăng trưởng vượt trội. Trong đó, doanh thu thuần đạt 11.732 tỷ đồng, tăng trưởng 230% so với năm 2021. Lỗ trên tổng doanh thu thuần cũng được cải thiện đáng kể về mức -27%, so với mức -114% trong năm 2021. Khoảng cách giữa doanh thu và chi phí ngày một thu hẹp, hướng đến điểm hòa vốn. 

Thị trường hàng không năm 2023 nói chung được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tương đối tích cực. Đón đầu xu hướng, Bamboo Airways lên kế hoạch triển khai bộ giải pháp tổng thể và toàn diện. 

Cụ thể, về mặt quy mô hoạt động, Bamboo Airways dự kiến khai thác đội bay đạt 30 – 36 tàu đến cuối năm 2023, duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ đạt trên 90%. Doanh thu vận tải hành khách và hàng hoá kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15-20% so với năm 2022. 

Về mạng đường bay, Bamboo Airways đặt kế hoạch tiếp tục duy trì mạng đường bay nội địa kết nối toàn bộ 22 sân bay dân dụng; và duy trì, mở rộng đường bay tới các thị trường quốc tế mục tiêu tại Châu Âu, Châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… Hãng cũng đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống dịch vụ hành khách (PSS) để dễ dàng mở rộng mạng lưới đường bay, đàm phán và kí kết hợp tác toàn diện với các hãng hàng không quốc tế.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways đang xây dựng hệ sinh thái hàng không, như thành lập các công ty vận chuyển hàng hóa hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, công ty kỹ thuật hàng không, công ty cung ứng suất ăn hàng không, nhằm gia tăng hiệu quả trên toàn mạng. Hãng tiếp tục tái cơ cấu tổ chức và kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tất cả các nhóm giải pháp của năm bản lề 2023 đều hướng đến mục tiêu trung hạn là tăng cường mạng bay quốc tế, nâng tầm chuẩn mực dịch vụ, từ đó đưa Bamboo Airways trở thành thương hiệu hàng không của châu Á và thế giới. 

Nguyên An (Tổng hợp)