625 đơn vị tham gia Triển lãm quốc tế về máy móc - thiết bị công nghiệp ngành nhựa

14:47 18/10/2023

Triển lãm quốc tế về máy móc - thiết bị công nghiệp ngành nhựa và cao su (Vietnamplas) 2023 thu hút sự tham gia của hơn 625 đơn vị và 1.100 gian hàng từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ và chia sẻ kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã cùng Công ty Vinexad và Công ty Yorkers tổ chức triển lãm Vietnamplas 2023. Sự kiện diễn ra từ ngày 18 - 21/10/2023 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), với sự tham gia của hơn 625 đơn vị và 1.100 gian hàng từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy tiềm năng phát triển đáng kể của thị trường ngành nhựa và cao su Việt Nam.

Tại Triển lãm quốc tế Vietnamplas 2023, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, đã thông báo về tình hình xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. Ông cho biết, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt 3,711 tỷ USD tính đến hết tháng 9 năm 2023, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 416,4 triệu USD, giảm 10,8% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 8% so với tháng 9/2022.

625 đơn vị tham gia Triển lãm quốc tế  về máy móc - thiết bị công nghiệp ngành nhựa
625 đơn vị tham gia Triển lãm quốc tế về máy móc - thiết bị công nghiệp ngành nhựa.

Ông cũng lưu ý rằng, triển vọng xuất khẩu sản phẩm nhựa trong những tháng cuối năm 2023 không mấy sáng sủa do tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nhựa giảm và doanh nghiệp giảm đơn hàng.

Tuy nhiên trong dài hạn, theo bà Judy Wang - Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại & Tiếp thị Yorkers (đơn vị đồng tổ chức Vietnamplas 2023), ngành nhựa và cao su Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng hàng năm đáng chú ý, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đáng kể là 8%.

Ngành nhựa Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90%. Trong những năm qua, máy móc, thiết bị của ngành nhựa được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý..., còn nguyên liệu phụ thuộc 70 - 80% vào nhập khẩu.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hàng tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, tiêu thụ sản phẩm nhựa trong những tháng cuối năm 2023 kỳ vọng dần khởi sắc. Sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng sẽ mở ra những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bao bì và nhựa xây dựng.

P.V (t/h)