Từ “siêu dự án tỷ đô” tới chuyện “đánh thức” sông Hồng

00:00 12/10/2020

Ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo chưa triển khai “siêu dự án tỷ đô” giao thông – thủy điện trên sông Hồng. Bên cạnh việc hoài nghi về độ “hoành tráng” của dự án đưa ra, dư luận cũng đặc biệt lo ngại về những tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống kinh tế – xã hội. Có lẽ, sau hàng nghìn năm “ngủ quên”, cần có một chiến lược đầu tư để đánh thức dòng sông này.

cauvt11112015102648_BWAU

Trước hết về mặt thủy điện, nguồn thuỷ năng trong lưu vực sông Hồng tương đối dồi dào, điều kiện khai thác thuận lợi nhất là công trình trên sông nhánh. Cho đến nay đã xây dựng các trạm thuỷ điện sau: Các trạm phát điện có công suất lắp máy dưới 10.000 kW tổng cộng là 843 với tổng công suất lắp đặt là 99.400 kW và 1 trạm thuỷ điện loại vừa ở Lục Thuỷ Hà có công suất 57.500 kW, như vậy mới khai thác chưa đến 5% khả năng thuỷ điện có thể khai thác trong lưu vực. Tổng công suất các trạm thuỷ điện trong lưu vực có thể khai thác đạt 3.375 triệu kW. Tuy nhiên, trong đó dòng chính sông Hồng chỉ chiếm 23% còn 77% tập trung ở các sông nhánh. Nét nổi bật về khai thác thuỷ điện lưu vực sông Hồng là: Tập trung khai thác thuỷ điện trên các sông nhánh có đầu nước cao lưu lượng nhỏ, kiểu đường dẫn chuyển nước sang lưu vực địa hình thấp là kinh tế nhất.

Dòng chính sông Hồng chảy theo đường thẳng, ít gấp khúc và chêch lệch thuỷ đầu tập trung không nhiều vì vậy phần lớn khai thác kiểu thuỷ điện sau đập, có nhiều khó khăn vì núi cao khe sâu phải làm đập cao để tạo đầu nước sẽ không kinh tế. Các thuỷ điện trên sông nhánh thường xa khu dân cư và đất canh tác rất phân tán, làm thế nào để công trình thuỷ điện đồng thời kết hợp cấp nước cho sản xuất và đời sống của nông dân là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết đạt hiệu ích kinh tế. Nhưng do lượng phù sa lớn, làm nông dòng sông và lưu lượng chảy sẽ kém nên sẽ làm giảm hiệu quả hay phá hủy các công trình thủy điện trong tương lai gần đây.

Như vậy, đủ thấy việc xây dựng 6-7 đập thủy điện trên sông Hồng mà “siêu dự án tỷ đô” đưa ra đã gặp phải hàng núi khó khăn, vướng mắc rất khó khắc phục.

Một điều chắc chắn nữa là nếu triển khai dự án này sẽ làm đảo lộn sinh kế, đời sống của hàng chục triệu dân. Nên nhớ, sông Hồng liên quan đến hàng chục con sông khác. Các phụ lưu chính của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam có thể kể đến là sông Đà, sông Lô (với phụ lưu là sông Chảy và sông Gâm), ngòi Phát, ngòi Bo, ngòi Nhù, ngòi Hút, ngòi Thia, ngòi Lao, sông Bứa. Sông Hồng có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại thuộc Hải Dương và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Cao (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Hai sông này nối sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình. Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang hay Ninh Cơ), nối sông Hồng và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và sông Nam Định. Về mùa lũ có màu đỏ-hồng do phù sa mà nó mang theo, đây cũng là nguồn gốc tên gọi của nó. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn

trên nǎm tức là gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước. Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng lo lắng về “thảm họa” môi trường xảy ra nếu nguồn nước, quy luật tự nhiên của sông Hồng bị đảo lộn.

Nhiều chục năm nay, sông Hồng chưa hề mạnh về giao thông thủy do việc lòng sông liên tục bị bồi đắp, độ sâu ngày càng giảm khi tàu bè chạy lên miền núi (có những đoạn dòng sông gần như trơ đáy), đặc biệt là về mùa khô tàu thuyền lớn gần như tê liệt. Nhiều ý tưởng về việc đẩy mạnh giao thông thủy trên sông Hồng đã được đưa ra nhưng để thành hiện thực, nguồn vốn đầu tư có lẽ cũng lên tới hàng tỷ đô-la.

Tài nguyên khoáng sản mà sông Hồng nắm giữ là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc khai thác cát, sỏi trên sông vẫn chủ yếu ở mức tự phát, nạn “cát tặc” liên tục hoành hành đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của chính dòng sông, tàn phá môi trường vẫn chưa được ngăn chặn. Chủ trương đấu giá khai thác cát sỏi, khoáng sản trên sông Hồng đã có nhưng chưa được triển khai nghiêm túc nên dẫn tới nạn “chảy máu” tài nguyên, thất thoát ngân sách ghê gớm, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Nhắc đến “siêu dự án tỷ đô” trên không thể không nhắc tới một “siêu dự án tỷ đô” khác cũng liên quan đến sông Hồng: Dự án Thành phố ven sông. Hơn chục năm trước, khi kinh tế thế giới chưa khủng hoảng, một số đối tác nước ngoài đã đề xuất phương án trị thủy, xây dựng đô thị dọc theo hai bờ đê sông Hồng đoạn qua địa bàn Hà Nội. Theo ý tưởng dự án, hai bên bờ sông Hồng sẽ lung linh như bên sông Hàn ở Hàn Quốc, nguồn lợi kinh tế tạo ra sẽ là một thị trường bất động sản khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, tại rất nhiều diễn đàn, hội thảo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những tác động tiêu cực đến môi trường, an xinh xã hội và cả đến địa chất (thay đổi dòng chảy, hiểm họa động đất…).

Tất cả những điều trên cho thấy một thực tế: Sông Hồng (ngoài con đê ngăn lũ xây dựng liên tục hàng nghìn năm nay) vẫn gần như hoang dã. Tài nguyên của sông Hồng là vô cùng to lớn nhưng chúng ta vẫn chưa đánh thức được. Để làm được điều đó, cần rất nhiều “siêu ý tưởng”, “siêu dự án tỷ đô”. Nhưng, “siêu” gì thì “siêu”, nếu không có một chiến lược cụ thể với những cơ sở khoa học, pháp lý rõ ràng, thuyết phục thì chẳng những lòng người khó thuận mà ngay cả con sông hoang dã sẽ ngay lập tức phá nát các “siêu dự án”!❑

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh/congluan.vn