Từ đặc sản Làng nghề - Hương chè mãi bay xa

00:00 12/10/2020

(Nguồn: DNHN 11/k2.2015). Là một trong những địa chỉ được mệnh danh “Thủ phủ” của “Đệ nhất danh trà” Tân Cương Thái Nguyên, Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên với các sản phẩm: Chè búp sao suốt, chè đinh, chè nõn… từ lâu đã nức tiếng bởi đặc sản truyền thống của làng nghề suốt hàng trăm năm nay.         

Đến thăm vùng “Đất Tổ” của Trà Tân Cương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước bạt ngàn những đồi chè mang màu xanh bất tận. Vô vàn những búp non mơn mởn, mọc tua tủa vươn thẳng lên nền trời xanh biếc. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, chất đất màu mỡ, cây chè được trồng ở đây có môi trường sinh thái trong lành, nằm riêng biệt phía tây thành phố, ven con đường du lịch vào thắng cảnh Hồ Núi Cốc huyền thoại. Xã Phúc Xuân may mắn được đất trời ban cho loài cây mà thương hiệu đã trở thành đặc sản nổi tiếng, mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người dân vùng trung du miền núi Thái Nguyên HTX chè Tân Hương được thành lập từ tháng 5/2011 theo mô hình HTX kiểu mới. 44 xã viên đã trực tiếp gieo trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến và bán sản phẩm ra thị trường theo quy trình khép kín. Diện tích trồng cây chè của các hộ khoảng 25ha. Sản lượng đạt khoảng 70 tấn chè búp khô/năm. Mức tiêu thụ qua HTX đạt từ 25-30 tấn/năm (chiếm 40% sản lượng), còn lại các hộ phải tự tiêu thụ trên thị trường tự do. Cây chè đã giúp cho các xã viên có thu nhập từ 3,8 đến 4 triệu đồng/người/tháng. DSC_0269 Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp –Phát triển Nông thôn cao Đức Phát thăm vườn chè HTX chè Tân Hương 8/2015 38 Sản phẩm chè búp xanh do HTX chè Tân Hương sản xuất “Tân Hương Trà” là nhãn hiệu duy nhất đã tồn tại 5 đời, với hơn 100 năm kinh nghiệm của người dân địa phương gắn bó với nghề trồng chè đang tiếp tục được kế thừa, phát huy tại đây. Sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Đài Loan, Nhật Bản trong công đoạn sao sấy, thanh lọc, khử độc tuyệt đối và đóng túi hút chân không, túi thiếc, túi nilon, chè do HTX Tân Hương sản xuất ngày càng có uy tín về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Chè được bao gói với các tên: Tân Hương Trà, Chè Tân Cương Đặc biệt, Chè Tân Cương Hảo hạng, Trà búp xanh Tân Hương, Đặc sản Trà và Trà túi lọc. Sản phẩm Tân Hương Trà đã vinh dự được phục vụ các ‘thượng đế” trong và ngoài nước vào các dịp tổ chức Ngày hội Văn hóa Trà, Festival Trà Quốc Tế và phục vụ một số cơ quan, đơn vị lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, An Giang, Đà Nẵng… Đã có gần 100 đại lý ở các tỉnh, thành bán sản phẩm chè do HTX Tân Hương sản xuất và đưa ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, Hà Lan… Tuy nhiên, số lượng chè bán ra vẫn là quá ít ỏi so với sản lượng đạt được, do việc tiếp cận với thị trường còn hạn chế. HTX hầu như chưa có “chiến lược kinh doanh” hay các mô hình marketting, quảng cáo, tuyên truyền sâu rộng cho sản phẩm, thường ai biết thì tìm đến mua hoặc các khách hàng tự bảo nhau đến mua rồi đặt đại lý ở một số chợ hoặc cửa hàng nhỏ lẻ bán tại các địa phương trong cả nước. Trà Tân Cương Thái Nguyên được trồng ở 3 xã đó là: Phúc Trìu, Phúc Xuân và Tân Cương. HTX chè Tân Hương là một trong hàng trăm cơ sở sản xuất trà ở Thái Nguyên. Nhưng cơ sở chỉ sử dụng nguyên liệu từ cây chè được trồng ở địa phương để chế biến sản phẩm. Theo chị Đỗ Thị Hiệp, Giám Đốc HTX chè Tân Hương thì một lứa chè kéo dài khoảng trên 1 tháng. Để có được chè ngon, trước khi trồng phải chọn lựa đất cho phù hợp. Vùng đồi với độ dốc thoai thoải như địa thế tự nhiên xã Phúc Xuân rất thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây chè. Các giống chè được chọn lọc như: LDP1, Trung Du, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI777 là các giống chè ngon, cho năng suất cao, được nhập từ Viện nghiên cứu chè Việt Nam và đem về trồng ở đây. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ Trung tâm khuyến nông, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh HTX, các xã viên đã được tập huấn và áp dụng về kỹ thuật trồng, chăm bón, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn VIETGAP và tiêu chuẩn UTZ về chất lượng sản phẩm chè đẳng cấp quốc tế, đảm bảo sạch, thơm ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm chè của HTX sản xuất bao giờ cũng đảm bảo về chất lượng, mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý. Năm 2011, Hợp tác xã Chè Tân Hương vinh dự là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified tại Việt Nam cho cây chè Thái Nguyên. Tiêu chuẩn UTZ Certified là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các sản phẩm có nguồn gốc, quy trình sản xuất đảm bảo sạch, an toàn và chất lượng cao. Với hương vị đặc biệt mà không ở đâu có được, sản phẩm chè của HTX Tân Hương đã tham gia các cuộc triển lãm, hội trợ ở nhiều vùng miền trên cả nước và liên tục đạt huy chương Vàng tại các kỳ thi chất lượng Chè xanh toàn quốc hàng năm do Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức. Sản phẩm của HTX còn tự hào với danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013-2014” do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng và chuẩn bị đón nhận Huân chương lao động hạng 3, Cờ thi đua của Chủ tịch nước dành cho các đơn vị có sản phẩm chất lượng, an toàn với người tiêu dùng. Chị Hiệp còn cho biết, để có được sản phẩm tốt, an toàn, HTX phải sản xuất theo một quy trình cực kỳ nghiêm túc. Việc bón phân cân đối giữa phân hữu cơ, phân vô cơ và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo “4 đúng”, đó là: Đúng bệnh (Bệnh gì – thuốc đấy), đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly. Chẳng hạn, thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là 3 ngày, HTX yêu cầu 7 ngày mới hái; Thời gian cách ly sau khi bón đạm 10 ngày thì đảm bảo tối thiểu 14 ngày mới hái; Mỗi lứa chè trung bình từ 32 đến 37 ngày, suốt thời gian đó, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết; Không dùng thuốc kích thích như phân bón lá sẽ ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng và màu nước của chè. Để có cơ hội thưởng thức sản phẩm Trà của HTX, chị Đỗ Thị Hiệp đã pha thử một ấm chè đang được các xã viên đóng gói cho chúng tôi uống. Những cánh chè săn nhỏ, cong cong như chiếc móc câu, được thả vào ấm cứ rào rào, nghe thật vui tai. Mùi chè thơm ngào ngạt như hương cốm mới khiến tôi cũng háo hức nhấp thử vài ngụm… Vị chát đắng đặc trưng và ngọt hậu đậm đà xua tan bao mệt mỏi của buổi chiều oi ả. Tôi thực sự thấy như gần gũi hơn với những “nghệ nhân” nơi đây bởi sản vật và câu chuyện của những người trồng chè!.. Chè búp xanh còn được ướp với hoa sói, hoa ngâu, hoa nhài, hoa sen... để tạo nên những hương  thơm khác nhau. Việc ướp tuân thủ theo những quy định công phu, nghiêm ngặt, nếu không có kinh nghiệm sẽ làm giảm hương vị tự nhiên của chè. Chè ngon nhất trong năm là chè thu hoạch vụ Xuân do tiết trời ấm áp, mưa xuân càng làm cho các chồi non thêm tươi tốt. Chè chế biến trong giai đoạn này tạo hương cốm đậm đà nhất. Hàng năm, sản phẩm chè của HTX Tân Hương luôn gắn với một lễ hội truyền thống tại địa phương, đó là lễ hội Văn hóa Trà. Ngày 26/11/2015 này sẽ là ngày hội lớn của Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ 3 tổ chức tại Trung tâm Tổ chức sự kiện Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên. Người đến dự lễ hội trước khi ‘thưởng trà” sẽ được giới thiệu về nghệ thuật pha trà và nghe tiếng đàn tính, đàn môi, tiếng khèn, tiếng sáo vi vu cùng các làn điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc miền núi phía Bắc. Những ca từ ngọt ngào chắc chắn sẽ vấn vít với những ai đã từng một lần đến nơi đây: “Vị ngọt thấm vào từ đất Hương thơm chắt lọc khí trời Anh về Thái Nguyên vui hội Nước chè sóng sánh vành môi…” Tác giả: Kim Phượng