Thời thơ ấu trong gia đình 7 người con của ông chủ Huawei

00:00 12/10/2020

Lớn lên trong cảnh túng thiếu, lại trải qua nạn đói, Ren Zhengfei vẫn được mẹ khuyến khích học hành, sau đó tham gia quân ngũ rồi khởi nghiệp Huawei.

Tại Trung Quốc, nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), 73 tuổi, được ca ngợi như "anh hùng dân tộc", khi từ hoàn cảnh nghèo khó vươn lên đỉnh cao của sự giàu có và địa vị xã hội. Ông Ren khởi nghiệp ở tuổi 44 với số vốn vỏn vẹn 21.000 NDT (khoảng 3.300 USD) năm 1987. Sau hơn 30 năm, ông Ren Zhengfei đã đưa Huawei trở thành công ty viễn thông lớn nhất với mức doanh thu trên 100 tỷ USD vào năm 2018.

Tuy nhiên Huawei hiện gặp khó khăn khi bị chính phủ Mỹ cấm vận và nhiều quốc gia tẩy chay. Ông Ren không xuất hiện trước truyền thông kể từ 2015, tuy nhiên thời gian gần đây ông liên tiếp nhận lời phỏng vấn và lên tiếng thừa nhận "công ty đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ ngày thành lập".

Ông Ren Zhengfei xuất hiện trước truyền thông vào tuần trước. Ảnh: Huawei. 

Ông Ren Zhengfei xuất hiện trước truyền thông tuần trước. Ảnh: Huawei.

Trước thời kỳ Huawei gặp khủng hoảng, những thông tin về người sáng lập tập đoàn này khá ít ỏi. Ông Ren Zhengfei và một số lãnh đạo cao cấp của Huawei như bà Teresa He Tingbo, chủ tịch Công ty HiSilicon thuộc tập đoàn, nổi tiếng là người kín đáo, không chia sẻ thông tin cá nhân. Người ta chỉ biết Ren Zhengfei xuất thân trong một gia đình đông con nghèo khó và có thời gian trong quân đội.

Mới đây, SCMP tiết lộ thêm thông tin cá nhân của ông Ren Zhengfei. Ông nội của Ren Zhengfei là một thầy thuốc tại ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang. Cha của ông là Ren Moxun, người đầu tiên đậu đại học của làng và sau đó làm giáo viên rồi kế toán tại một nhà máy. Sau khi chuyển đến vùng nông thôn tỉnh Quý Châu, Ren Moxun gặp bà Cheng Yuanzhao và kết hôn, sinh ra hai con trai và năm con gái, Ren Zhengfei là anh cả.

Ren Zhengfei lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu bởi đồng lương giáo viên còm cõi của cha mẹ. Dù phải trải qua nạn đói vào cuối những năm 1950, mẹ của Ren vẫn khuyến khích ông học hành bằng cách thưởng cho một miếng bánh ngô vào buổi sáng trong lúc kiểm tra bài tập của con.

Với nỗ lực đó, Ren Zhengfei đã thi đậu vào Học viện Kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong ngành công nghiệp kỹ thuật dân dụng đến năm 1974. Sau đó, ông gia nhập quân đội và làm việc tại một cơ sở sợi hóa học ở Liaoyang. Tại đây, Ren Zhengfei đã vươn lên vị trí phó giám đốc, nhưng không giữ cấp bậc quân sự. 

"Các nhà quản lý và chuyên gia của chúng ta cần hành động như tướng lĩnh, kiểm tra cẩn thận các bản đồ và nghiên cứu tỉ mỉ vấn đề", trích lời ông Ren đăng trên một website dành cho nhân viên của Huawei.

Trong cuốn sách Huawei: Leadership, Culture and Connectivity, đồng tác giả bởi David De Cremer, Tian Tao và Wu Chunbo tiết lộ ông Ren là một "con mọt sách" khi còn bé. Ông trở thành đảng viên ở cuối sự nghiệp phục vụ trong quân đội.

Tuy nhiên, một báo cáo của Ủy ban Tình báo năm 2012 về Huawei đã bày tỏ nghi vấn tại sao một công ty tư nhân như Huawei lại có một đảng viên. Thực tế, việc các lãnh đạo công ty lớn là đảng viên tại Trung Quốc khá phổ biến, trong đó có những tên tuổi như Ma Huateng (Mã Hóa Đằng), nhà sáng lập kiêm chủ Tencent, hay Jack Ma, ông chủ Alibaba.

Con đường binh nghiệp của Ren Zhengfei kết thúc năm 1983. Sau đó, ông cùng người vợ đầu tiên, mẹ của bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), con gái lớn của Ren, làm việc tại một công ty ở Thâm Quyến.

Theo cuốn sách Ren Zhengfei and Huawei của tác giả Li Hongwen, Ren Zhengfei từng phải bán mọi thứ để trả một khoản nợ liên quan đến đối tác kinh doanh và mất việc tại Tập đoàn Nanyou, Thâm Quyến. Đồng thời, cuộc hôn nhân đầu tiên của ông cũng tan vỡ ở giai đoạn khó khăn này. 

Sau một thời gian chật vật để nuôi sống gia đình, ông Ren Zhengfei nhìn thấy một cơ hội kinh doanh, mở đường cho sự ra đời của Huawei. Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình, tỷ lệ sử dụng điện thoại của quốc gia này còn thấp hơn tỷ lệ trung bình ở Châu Phi, đứng vị trí 120 thế giới. Ren đã cùng 4 người bạn thành lập Huawei năm 1987 với 21.000 nhân dân tệ (khoảng 3.300 USD). Công ty chuyên cung cấp thiết bị viễn thông có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến.

Đón đầu như cầu của thị trường, Ren Zhengfei đã đưa Huawei phát triển mạnh trong lĩnh vực viễn thông và cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm của các công ty khác. Đầu những năm 90, Huawei bắt đầu kỷ nguyên sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Năm 1996, Huawei chiếm vị trí thứ 2 trong thị phần switch (bộ chuyển mạch) tại Trung Quốc và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các thị trường còn mới mẻ như châu Phi, Nga. Doanh thu hàng năm của Huawei tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm, đạt 2 tỷ USD năm 2000. 

Năm 2005, doanh thu của Huawei từ thị trường nước ngoài cao hơn doanh thu nội địa. Năm 2012, Huawei đã vượt Ericsson (công ty dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị truyền thông và mạng) về doanh thu và lợi nhuận. Huawei cũng là công ty duy nhất trong số 91 doanh nghiệp Trung Quốc lọt top 500 Fortune Global có doanh số bán hàng ở nước ngoài cao hơn trong nước. Hiện Huawei là hãng viễn thông lớn nhất thế giới có thị trường tại hơn 170 quốc gia và cũng là hãng điện thoại thông minh lớn thứ 2, sau Samsung. 

Bức ảnh chụp các lãnh đạo cao cấp nhất Huawei, ông Ren Zhengfei mặc áo hồng, đứng thứ năm từ bên trái qua. 

Ông Ren Zhengfei (áo hồng) chụp ảnh cùng các lãnh đạo cao cấp nhất của Huawei. Ảnh: Huawei.

Huawei nổi tiếng với văn hóa "nệm". Mỗi nhân viên mới gia nhập Huawei đều được phát cho một bộ chăn nệm vì nhiều người sẵn sàng làm việc đến đêm và sau đó ngủ tại văn phòng. Khi mới khởi nghiệp, để khuyến khích công nhân làm thêm giờ, Ren Zhengfei thường nấu cháo đuôi lợn để họ ăn trong lúc tăng ca.

Gần đây, Huawei còn nổi tiếng với văn hóa "bầy sói". Nhà sáng lập Huawei từng chia sẻ với nhân viên rằng: "Một con sói cô độc thì không có cơ hội chiến thắng một con sư tử. Nhưng một đàn sói đoàn kết và chấp nhận hy sinh vì nhau sẽ quật ngã con sư tử dễ dàng". Văn hóa này càng được nâng cao khi Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách đen. Các nhân viên sẵn sàng làm việc 7 ngày/tuần, tăng ca tối đa nhằm giúp công ty vượt khó khăn. 

Để giữ chân nhân viên, Ren Zhengfei đưa ra chính sách trả một nửa lương, nửa còn lại cộng tiền thưởng và chuyển thành cổ phiếu. Như vậy, mỗi nhân viên Huawei đều có ý thức làm việc để nâng cao giá trị công ty và nếu nghỉ việc sẽ phải bán lại số cổ phiếu đó. Là ông chủ của công ty viễn thông lớn nhất thế giới nhưng ông Ren Zhengfei chỉ sở hữu 1,4% cổ phần, trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Ren Zhengfei cũng nổi tiếng là người xây dựng văn hóa kỷ luật thép tại công ty. Tất cả nhân viên đều phải tôn trọng tài sản chung của công ty. Các lãnh đạo cao cấp của Huawei đều không có tài xế riêng hay đi máy bay khoang hạng nhất bằng tiền của công ty.

Trong một bài phát biểu gần đây được đăng trên mạng nội bộ dành cho người Huawei, ông Ren Zhengfei kêu gọi nhân viên hãy kiên nhẫn và không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ. "Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ hay chịu áp lực từ bên ngoài", ông nói. 

Sơn Nam (Theo SCMP)