Thị trường Myanmar: Phép thử cho các doanh nghiệp Việt trong thời toàn cầu hóa

00:00 12/10/2020

Tháng 3/2016, tin vui liên tiếp từ thị trường Myanmar đến với Việt Nam. Tiêu biểu như việc Ngân hàng BIDV được cấp giấy phép thành lập chi nhánh, hay Viettel được nhận giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Tháng 5/2015, FPT cũng trúng thầu triển khai hạ tầng internet tại Myanmar.

ban-do
Điểm chung của các doanh nghiệp này có lẽ là sự “lì lợm”, bởi BIDV chỉ nhận được giấy phép vào đợt 2. Tương tự, Viettel từng trượt thầu vào năm 2013. FPT cũng mất đến 3 năm mới được cấp phép triển khai hạ tầng mạng. Sau khi đã có những thành công nhất định tại thị trường nội địa, việc các tập đoàn lớn của Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài là chuyện dễ hiểu. Trong khi đó, Myanmar lại được xem là “điểm đến vàng” cuối cùng trong khu vực ASEAN. Trong lĩnh vực ngân hàng, BIDV gần như được xem là “bà mối” cho đầu tư và thanh toán tạo dòng thương mại tại thị trường Myanmar, nhiều hơn việc cung cấp các dịch vụ khác như tín dụng hay bán lẻ. Với FPT, giấy phép của họ được cấp trong vòng 15 năm, cho phép cung cấp các dịch vụ tin tức điện tử, trò chơi trực tuyến và dịch vụ thương mại điện tử. Còn Viettel được chọn trở thành đại diện góp vốn 49% vào một công ty nội địa ở Myanmar, cùng 7 nhà đầu tư quốc tế khác đến từ ASEAN, châu Âu và châu Phi. Sau khi chính thức mở cửa thị trường di động không dây vào giữa năm 2014, thị trường viễn thông Myanmar đã thay đổi chóng mặt. Giá cước di động giảm hơn một nửa, giá SIM điện thoại từ mức 150 USD (năm 2012) nay chỉ còn khoảng 1,5 USD. Năm 2012, tỉ lệ tiếp cận điện thoại di động ở quốc gia có diện tích lớn thứ 2 ASEAN này chỉ là 9%. Ðến tháng 9.2015, tỉ lệ này đã là hơn 60%. Ðó là nhờ sự gia nhập nhiều hơn của những tay lớn chơi trên thị trường. Tiêu biểu là 2 nhà mạng Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo đến từ Qatar, chấm dứt thời kỳ độc quyền bởi nhà mạng quốc doanh là Myanmar Posts and Telecommunications (MPT). Năm 2014, khi Myanmar tổ chức đấu thầu giấy phép viễn thông, 2 nhà mạng quốc tế nói trên được cho là đã bỏ ra từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD để được trở thành nhà mạng viễn thông nước ngoài đầu tiên hoạt động tại thị trường này. Chấp nhận trả chi phí cao cho tấm vé qua cửa, 2 nhà mạng này còn phải đầu tư thêm rất nhiều vào tháp viễn thông và hạ tầng khác ở một nơi xem như “chưa có gì”. Sự mạnh tay của người ngoài khiến các công ty nội địa cũng phải dè chừng. Ngay sau đó, nhà mạng MPT đã lựa chọn đối tác chiến lược là nhà mạng KDDI và Tập đoàn Sumitomo (Nhật) để củng cố sức mạnh và giữ thị phần. Hiện tại, MPT đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, và Ooredoo có khoảng 5,8 triệu thuê bao. Muốn gia nhập vào một thị trường như vậy cũng là một nước cờ khó với liên doanh Viettel. Viettel cũng đang ở thế yếu hơn nếu so sánh sức mạnh giữa các tập đoàn nước ngoài trong ngành viễn thông Myanmar. Nếu như Telenor có doanh thu hơn 3,1 tỉ USD, Ooredooo lên đến gần 8,8 tỉ USD thì Viettel chỉ xấp xỉ khoảng 2 tỉ USD. Với thế trận mà 3 nhà mạng cũ đã bày ra, Viettel sẽ làm gì để đối phó? Cần nhớ rằng Viettel là nhà mạng có kinh nghiệm trong cuộc chạy đua với người cũ, như ở thị trường Việt Nam. Để tăng năng lực đầu tư của mình, Viettel đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, lên mức 300.000 tỉ đồng đến năm 2020. Rõ ràng, thị trường Myanmar đang trở thành cuộc đua mới của các tập đoàn ngoại quốc. Đơn giản vì nếu trở thành người đầu tiên gia nhập thị trường, các doanh nghiệp sẽ có lợi thế lớn là tiếp cận được với giới làm chính sách tại địa phương. Chắc chắn, thị trường mới mẻ này sẽ là phép thử quan trọng cho các doanh nghiệp Việt trong bài toán toàn cầu hóa.

Thiên Phong/nhipcaudautu