Nhân 40 năm ngày mất của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1976-2016): Về Bạc Liêu, chợt nhớ…

00:00 12/10/2020

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thường gọi Sáu Lầu mất cách đây tròn 40 năm. Ông là tác giả bài "Dạ cổ hoài lang" độc đáo và nổi tiếng.Từ bản gốc này, những người con Bạc Liêu đã sáng tạo, cải biên phát triển thành bản vọng cổ như ngày nay.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) Thời ấy, cả làng tôi độc nhà ông Long có cái đài bán dẫn. Đó là cái đài Na-ti-on-na chỉ nhỉnh hơn hòn gạch. Ông Long làm nghề rèn. Thường ngày, ông để cái đài bên cạnh nhưng thi thoảng mới mở vì sợ tốn... pin. Lúc đi đâu xa, ông buộc khăn mặt ở góc dây đeo, tròng đài vào cổ, chậm rãi đạp xe. Đến đoạn đường cua, lạc sóng, chiếc đài “òa” lên. Buổi tối, dân làng tôi kéo đến nhà ông để nghe tin chiến sự ở miềm Nam. Tối thứ bảy có chương trình “Câu chuyện cảnh giác truyền thanh”, tiếp đó là “Sân khấu truyền thanh”, người đến nghe đài càng đông. Mỗi chiều, làng tôi vắng hoe. Người lớn đi làm đồng, tập dân quân. Trẻ con đi chăn trâu, đánh cá, móc cua. Tôi bơ vơ ở đường làng. Chợt, tiếng hát từ chiếc đài nhà ông Long vọng ra nghe não nề, da diết:  “Từ là từ phu tướng Bảo kiếm sắc phong lên đàng Vào ra luống trông tin nhạn ...” Ngày ấy, tôi không hiểu nội dung của ca từ, cũng không biết đó là bài gì, chỉ thấy dâng trong tôi một nỗi niềm bâng khuâng tê tái. Tôi ra bờ ao rưng rưng ngóng về Nam. Phía ga Si, cầu Bùng bom Mỹ dội lửa khói ngút trời. Một con cò lửa cô đơn lạc loài bay bơ vơ qua những đụn khói. Làng tôi vắng hoe. Người yêu chị tôi đang chiến đấu ở trong Nam, chồng cô Hiệt, cô Tâm cũng đang chiến đấu trongNam. Tiếng hát từ lò rèn nhà ông Long vẫn văng vẳng ... “Vào ra luống trồng tin nhạn...”. Tôi mới hơn 10 tuổi đầu, như con cò lửa bơ vơ trong bom đạn, chẳng trông mong ai, chỉ thương chị tôi, thương cô Hiệt, cô Tâm, thương cho hàng vạn người chị, người mẹ ở miền Bắc ngày đêm ngóng tin người thân nơi chiến trường súng nổ. Bây giờ tôi đang ở Bạc Liêu, nơi sản sinh ra bài ca não nùng da diết ấy. Đó là bài “Dạ cổ hoài lang”. Bài ca ra đời từ năm 1919. Từ bản gốc này, những người con Bạc Liêu đã sáng tạo, cải biên phát triển thành bản vọng cổ như ngày nay. Người sản sinh ra “Dạ cổ hoài lang” và tham gia cải tiến, phát triển nó là Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông sinh năm 1882, tại Long An, nhưng lập nghiệp và mất ở Bạc Liêu năm 1976. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có người vợ là bà Trần Thị Tấn. Các tài liệu hiện nay chép lại, ông và bà Tấn từng khai khẩn vùng đất nhiễm phèn nặng thuộc xã Định Thành, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) để trồng lúa. Nhưng mảnh đất này đã bị chúa đất Trần Trinh Trạch (bố của công tử Bạc Liêu) cướp mất. Chúa đất Trần Trinh Trạch có hơn 210.000 mẫu ruộng sản xuất lúa và muối, giầu nhất đồng bằng sông Cửu Long. Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy, sinh ngày 27 tháng 6 năm 1900. “Công tử” thứ 3 nên thường gọi là Ba Huy hoặc Hắc công tử (vì da đen). Thói chơi ngông của công tử Bạc Liêu khét tiếng. Thời ấy vua Bảo Đại ở Việt Nam chỉ có 2 chiếc xe thể thao và 2 chiếc máy bay thì Bảo Đại một chiếc và công tử Bạc Liêu một chiếc. Mỗi lần đi thăm đồng, công tử Bạc Liêu sử dụng ca nô hoặc máy bay, oai hơn cả các điền chủ người Pháp ở Việt Nam. Chuyện rằng, có lần công tử Bạc Liêu chạm trán với Bạch công tử ở Mỹ Tho. Hai công tử dùng tiền cùng mệnh giá thi nhau đun chè xem nồi chè nào sôi trước. Khoảng năm 1940, vào các dịp kỳ yêu, công tử Bạc Liêu bỏ tiền ra tổ chức các hội thi với tên gọi “Đấu xảo sắc đẹp”. Có lẽ đây là một trong những cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam. Ở Bạc Liêu có ngôi biệt thự nằm bên bờ sông Bạc Liêu do Trần Trinh Trạch xây dựng từ năm 1917. Ngoài ra còn có biệt thự số 12 đường Bà Triệu và ở đường Hai Bà Trưng, hiện là thư viện tỉnh Bạc Liêu. Các biệt thự này có kiến trúc kiểu Pháp, bên trong kết hợp kiến trúc phương Đông và phương Tây, trang sức bằng những bộ bàn ghế kiểu Louis-15, Louis-16 của Pháp hoặc kiểu Á Đông như mẫu đơn, mai, trúc, chân bàn chạm kỳ lân ngậm chân bình bông có triện đỏ (chỉ nhà Vua mới dám đặt hàng bên Trung Quốc sản xuất). Nghe nói, bộ tràng kỷ ở ngôi biệt thự này, trước đây Ngô Đình Cẩn trả 2 triệu đồng cũng không mua nổi. Ông Cao Văn Lầu bị chúa đất cướp ruộng, lại còn bị mất vợ. Sau bốn năm chăn gối, vợ ông vẫn không sinh con, bị gia đình trả về nhà gái. Cảnh chia ly trắc trở khiến ông viết nên “Dạ cổ hoài lang” bất tử (sau này bà Tấn sinh cho ông được 7 người con. Người con cả đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, trở thành cán bộ cấp cao ngành ngoại giao). Trước đây, giới sân khấu Sài Gòn gọi bản tân cổ giao duyên ngày nay là “Vọng cổ Bạc Liêu”. Để tôn vinh công lao của người nhạc sĩ tài hoa, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Khu lưu niệm ông tại trung tâm thành phố và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Năm 2008, di tích được tu bổ một số hạng mục như cổng Tam quan, nhà che khu mộ, nhà trưng bày, sân khấu ngoài trời, nhà đón khách... Ngày 29-10-2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng. Dự án có diện tích xây dựng 12.500m2 với nhiều hạng mục được xây mới; trong đó có nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà trưng bày đờn ca tài tử cải lương, sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử, biểu tượng đàn kìm, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt, trong khuôn viên công trình, xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn. Đến đây mọi người được giới thiệu về văn hóa Bạc Liêu, về tình người, tình đất phương Nam, được thưởng thức bản Dạ cổ hoài lang và mơ màng tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu, người con của xứ sở Bạc Liêu. Bây giờ tôi đang ở quê hương của đất tổ cải lương. Nơi chúng tôi tìm đến là một ban nhạc tài tử biểu diễn những bản tân cổ giao duyên. Lời ca buồn thống thiết khiến tôi nhớ về phương Bắc. Nơi ấy, ông Long đã già yếu lắm. Cái lò rèn đã dỡ bỏ từ lâu. Nơi ấy, người yêu chị tôi không về. Chồng cô Tâm, cô Hiệt cũng không về, hai cô cứ ở vậy nuôi con, thờ chồng. Lúc này, tôi tự hỏi, không biết trong suốt mấy chục năm nhớ người thương, chị tôi và các cô có được nghe bài “Dạ cổ hoài lang” hay không?./. Tác giả bài viết: Cao Thâm