Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 Cần cúa hích mạnh để DNNVV bứt vượt

00:00 12/10/2020

(DN&HN) : Thủ tục hành chính hiện đã đỡ hành doanh nghiệp hơn hẳn trước đây. Thời gian chờ đợi nộp thuế cũng giảm thiểu khá nhiều. Nhưng mới chỉ chừng ấy thuận lợi thôi, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở ta chưa thể khai thác được các cơ hội  từ môi trường hội nhập ngày càng sâu rộng, trong khi nguy cơ đình trệ thậm chí là sa sút, là một loạt các DN nhỏ "đứt hơi" phải từ giã thương trường đã hiển hiện rồi. Chưa bao giờ cộng đồng DNNVV nóng lòng trông đợi đến thế ở những chính sách đủ mạnh, căn cơ, tiếp sức trực tiếp cho DNNVV vượt lên chính mình, để phát triển lâu bền.

phong-van-doanh-nhan-viet-nam

(ảnh minh họa)

Mọi cánh cửa mà DNNVV buộc phải tìm đến để tồn tại đều vẫn chỉ mở hé. Các chủ nhà đều nhìn họ bằng con mắt nghi ngại, nếu săm soi mãi mà không có lý do gì từ chối, mới  phải chìa tay ra hờ hững. Ngân hàng chẳng mặn mà gì khi cho mấy DN còm chỉ đủ sức nhâm nhi khoản vay be bé (vì lấy đâu ra tài sản thế chấp khủng), khiến chi phí dịch vụ của họ tăng lên. Mà cũng chỉ 30% số DNNVV may mắn được vay thôi đấy. Vốn liếng mỏng thế thì nói gì đến đến đầu tư cho dây chuyền công nghệ cao để có sản phẩm chất lượng cao, bán chạy?  Số còn lại bị ngân hàng từ chối, thì đôn đáo bơ phờ chạy vốn từ đủ các nguồn, có khi phải gõ cửa “tín dụng đen”, lãi cao ngất ngưởng cũng đánh liều nhắm mắt mà vay. Vì không nỡ bỏ rơi người lao động. Mấy ông chủ đất các khu công nghiệp mênh mông cũng tìm cách từ chối khéo DNNVV đến xin thuê đất mở xưởng. Vì họ chỉ thích khoanh cho thuê những khoảnh hoành tráng tính bằng ha, chứ chẳng bõ ký một vài trăm mét vuông nhỏ lẻ. Vốn hẻo, nên các cơ hội làm ăn cứ vèo qua trước mắt. Sản phẩm phẩm cấp trung bình, câu chuyện tạo thương hiệu  chỉ thấy trong mơ, nên đầu ra cho sản phẩm dĩ nhiên là bấp bênh, may rủi. Tồn tại được chủ yếu là nhờ năng động. Thứ gọi là năng động vừa tầm tay nhất với số đông, là di chuyển ngang, dịch chuyển loanh quanh. Từ chế tạo sản phẩm chuyển sang sửa chữa, mông má. Từ xưởng làm hàng chuyển qua làm dịch vụ-mở cửa hàng tạp phẩm, quán ăn uống-giải khát, hoặc nữa tạt ngang làm dịch vụ du lịch cò con... Vòng luẩn quẩn sinh tồn bào mòn sức lực doanh nghiệp, từ vừa xuống nhỏ, rồi...siêu nhỏ. Cả một rừng DNNVV chiếm 97% tổng số DN cả nước. Dù đã được đánh giá cao do đóng góp có lúc lên tới 40% GDP, tạo viếc làm cho 60% tổng lao động có việc làm. Dù đã được  hưởng không ít chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhưng cộng đồng DNNVV ở ta hiện cơ bản vẫn chưa thoát ra khỏi vòng sinh tồn luẩn quẩn. Nhiều quốc gia từng trải kinh tế thị trường hơn ta, đã đi trước chúng ta khá lâu trong chính sách kích thích DNNVV. Nhiều nước có quy định bắt buộc như Ấn Độ dành tối thiểu 7% tổng dư nợ tín dụng cho DNNVV, Philipine dành 10%,  Indonesia dành tối thiểu 20%…Nhiều nước mạnh tay tạo đầu ra cho DNNVV. Mỹ quy định 23% số hợp đồng liên bang dành riêng cho DNNVV. Trung Quốc: các cơ quan chính phủ dành ít nhất 30% ngân sách mua sắm công hàng năm cho khối DN này. Ấn Độ: các cơ quan nhà nước mua sắm ít nhất 20% hàng hóa, dịch vụ từ các DNNVV. EU: DNNVV được giành 44 - 84% số hợp đồng mua sắm tại các quốc gia thành viên. Xu hướng khởi nghiệp đã được kích hoạt trên phạm vi cả nước. Thêm một loạt DNNVV vừa mới hăm hở gia nhập thị trường. Cộng đồng DNNVV nước ta nóng lòng chờ đợi Luật Hỗ trợ DNNVV đang được soạn thảo, sớm được thông qua và ban hành. Luật không phải là phao cứu sinh. Cộng đồng DNNVV giầu tinh thần tự lực tự cường không cần sự o bế.  Mà cần Chính phủ thể hiện vai trò kiến tạo bằng cách tạo ra các điều kiện kinh doanh sao cho “các thân phận nhỏ bé” có thể được bình đẳng trong tiếp cận các thị trường vốn, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực; tiếp cận thông tin, tri thức, kinh nghiệm làm ăn với thế giới, v.v... Và đó là cú hích để tự thân DNNVV bứt vượt. Thế Văn