Mơ ước xây dựng kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp tại Đông Anh

00:00 12/10/2020

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – tái  ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội chia sẻ, sắp tới sẽ cùng Hội nông nghiệp công nghệ cao và các hiệp hội DN, kêu gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp giá trị cao, xây dựng kênh phân phối, đầu ra cho vùng rau sạch, sản phẩm nông nghiệp tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vừa qua, trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại huyện Đông Anh của các ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016 – 2021, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sản xuất & XNK Việt Phúc là một trong số những ứng cử viên gây ấn tượng mạnh với cử tri về chương trình hành động thiết thực của mình. Bên lề hội nghị, phóng viên có cuộc trao đổi riêng với bà xung quanh các vấn đề được cử tri qua tâm.
Xuất phát từ làm nghiên cứu khoa học, rồi trở thành nữ doanh nhân bản lĩnh, mạnh dạn trong việc ứng dụng công nghệ mới vào canh tác nông nghiệp; phát triển nhiên liệu sinh học từ sản phẩm nông nghiệp....  Vậy, những sản phẩm mà bà cùng với Công ty Việt Phúc đã tạo ra là gì?
Công ty Cổ phần sản xuất & XNK Việt Phúc thành lập năm 2001, ban đầu chỉ sản xuất hàng cho khách sạn, đến nay mở rộng  3 công ty thành viên khác kinh doanh lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu sinh học và nông nghiệp. Các lĩnh vực trên thu hút nhiều lao động và hàng trăm cơ sở sản xuất, trang trại, hợp tác xã, nông hộ vệ tinh.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty Việt Phúc, Phó chủ CLB nữ Doanh nhân Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm với sinh viên
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty Việt Phúc, Phó chủ CLB nữ Doanh nhân Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm với sinh viên
Trong đó, một số dự án có ý nghĩa  như: Phát triển nhiên liệu sinh học BFO Việt Nam – trên cơ sở hợp tác với  Viện hàn lâm khoa học Việt Nam và  nhà đầu tư Nhật bản, chúng tôi đã tận dụng vỏ hạt điều bỏ đi cùng một số loại hạt có dầu tinh chế thành dầu diesel sinh học, làm nhiên liệu thay thế cho dầu diesel nguồn gốc hóa thạch trong các lò nhiệt luyện. Điều này giúp giảm chi phí 15-20%  và  giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, sản phẩm dầu BFO được sử dụng làm nhiên liệu cho nhiều nhà máy sản xuất như Kyoei Steel, Almine Nhật; Posco steel, kính Việt Nhật, xi măng Hà Tiên, giấy Bãi bằng, hoá chất Đức Giang,....
Bằng việc ứng dụng công nghệ mới trong canh tác, dự án trồng 100 ha chuối xuất khẩu của chúng tôi tại Đồng Nai đạt năng suất trung bình từ 62-75 tấn/ ha/ vụ. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích thêm 100-200 ha, sẽ áp dụng kỹ thuật mới nhất của Israel và Phillipine phục vụ thị trường  xuất khẩu khó tính hơn như Nhật Bản, EU, Hàn  Quốc. Là ứng cử viên đại biểu HĐND TP tại Đông Anh – huyện ngoại thành Hà Nội, bà suy nghĩ thế nào về vùng đất này? 
Tôi rất vinh dự được về tái ứng cử tại Đông Anh - vùng đất đặc biệt của Hà Nội, nơi hiện hữu mật độ dày đặc các di tích văn hóa - lịch sử - khảo cổ và tâm linh. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của Thủ đô, Đông Anh đã và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Huyện có quy hoạch phân khu đô thị gần 2200 ha, quy hoạch tổng thể tầm nhìn 2030 -2050 cùng với hệ thống hạ tầng khung hoàn thiện tạo cho Đông Anh một khí thế, vận hội mới phát triển thành đô thị trung tâm  hiện đại mới của Thủ đô trong tương lai.
Bên cạnh những thành tích, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, từ một huyện nông nghiệp đang chuyển dần sang đô thị và công nghiệp tốc độ nhanh, đây cũng  là những thách thức, trăn trở lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện.
Trong đó, những thách thức cụ thể đặt ra như vấn đề thu hút đầu tư; giải pháp, cơ cấu đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả cho gần 10 ngàn ha đất nông nghiệp; vấn đề đảm bảo các nhu cầu an sinh xã hội như trường học, dịch vụ y tế, nước sạch, xử lý rác thải, ô nhiễm làng nghề...
Ngoài ta, chúng tôi cũng trăn trở làm thế nào để phát huy được nguồn tài nguyên qúy giá của di tích lịch sử văn hóa; xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp, đầu ra cho hơn ngàn ha rau sạch, hay các  sản phầm nông nghiệp khác…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, với vai trò là đại biểu HĐND TP 2011-2016, bà đã phát huy vai trò của mình thế nào đối với sự phát triển của Thành phố cũng như huyện Đông Anh? Tôi luôn tham dự đầy đủ các kỳ họp, tích cực tham gia thảo luận xây dựng các chính sách, giải pháp  phát triển KT-XH của Thủ đô; đặc biệt  là các chính sách, giải pháp thuộc nhóm vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị; các vấn đề liên quan làng nghề; xây dựng nông thôn mới; giáo dục và đào tạọ; giải quyết việc làm sau chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề nước sạch cho các huyện ngoại thành.
Cùng với HĐND và các đại biểu khác, tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cải cách hành chính; thu hút đầu tư  vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhiều ý kiến được đánh giá cao và  ghi nhận vào Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Tôi cũng tìm kiếm tài trợ, đưa được một số nghệ nhân làng nghề (nghề thêu, điêu khắc, nón, sơn mài, chạm khảm, mây tre, gốm sứ, ….)  của Hà Nội tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, biểu diễn nghề tại các Festival VH tại  Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Thái lan, Mỹ,…
Sau khi trở về Nghệ nhân đã thay đổi tư duy, phương pháp làm việc, cải thiện được doanh số bán hàng và giúp đỡ nhiều bà con khác trong hiệp hội. Và đặc biệt, với sư tham gia tích cực của các nghệ nhân, sự ủng hộ  UBND TP Hà Nội, tôi đã xúc tiến, kết nối thành công “Dự án hỗ trợ và phát triển cho làng nghề Hà nội” do JICA Nhật Bản tài trợ và thực hiện trong 3 năm từ 2016-2019.
Dự án này hỗ trợ kỹ thuật giúp các làng nghề nâng cao, đổi mới thiết kế sản phẩm, thiết kế  và xây dựng kênh phân phối, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, sắp tới sẽ cùng Hội nông nghiệp công nghệ cao và các hiệp hội DN, kêu gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp giá trị cao, xây dựng kênh phân phối, đầu ra cho vùng rau sạch, sản phẩm nông nghiệp tại huyện Đông Anh, Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Lan Hương  với nỗ lực kêu gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp giá trị cao, xây dựng kênh phân phối, đầu ra cho vùng rau sạch, sản phẩm nông nghiệp
Nếu được cử tri tín nhiệm, ủng hộ, bầu là ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, bà sẽ thực hiện chương trình hành động của mình thế nào?
Thứ nhất, tôi sẽ thu xếp công việc một cách khoa học, để thực hiện tốt nhiệm vụ của một ĐB dân cử. Đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm  xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tối đa  thế mạnh tiềm năng của Hà Nội và huyện Đông Anh; góp phần nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô và Đông Anh nói riêng.
Trong đó chú trọng đến các chính sách và giải pháp về phát triển kinh tế xã hội khu vực ngoại thành, xây dựng nông thôn mới, nước sạch nông thôn, ô nhiễm làng nghề; cải cách hành chính; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp giá trị cao; cùng cộng đồng DN Thủ đô tham gia hiến kế với Thành phố những chương trình hành động cụ thể xây dựng Hà nội ngày càng phát triển, đóng góp giải pháp đẩy lùi thực phẩm bẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thứ hai, phải xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ảnh kịp thời những đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Thứ ba, tích cực tham gia hoạt động đối ngoại, chủ động xúc tiến, kết nối giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào  liên kết kinh doanh, đầu tư  khu đô thị mới; đầu tư lĩnh vực du lịch - nông nghiệp - sinh thái; du lịch văn hóa – làng nghề -  tâm linh và đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; kênh phân phối cho sản phẩm nông nghiệp;  sản phẩm làng nghề...
Hiện nay, Hội Nông nghiệp công nghệ cao đã  ký kết hợp tác quốc tế  với  Nhật Bản, Israel, Hà lan, Newzeland, Hàn quốc, Đài loan… từ kỹ thuật canh tác, giống, dinh dưỡng cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin đến đầu tư, phân phối, đào tạo nhân lực.
Chúng tôi sẵn sàng cung cấp, chuyển giao kỹ thuật mới nhất, phù hợp nhất trong sản xuất nông nghiệp cho bà con huyện Đông Anh. Đặc biệt chúng tôi đang cùng với đối tác Nhật Bản xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo 10.000 tu nghiệp sinh nông nghiệp cho Việt Nam. Chắc chắn khi dự án triển khai thì Đông Anh là một trong những  lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra, các làng nghề của huyện sẽ được kết nối với Dự án hỗ trợ của JICA Nhật Bản…
Thứ tư, tôi hết sức quan tâm đến việc làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, điều kiện lao động, trao quyền cho phụ nữ, khuyến khích phu nữ tham gia kinh doanh, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần vào sự bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Cùng với Hiêp hội nữ doanh nhân Hà nội và các Hiệp hội doanh nghiệp khác, tiếp tục đồng hành cùng CLB nữ doanh nhân Đông Anh tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường, làm từ thiện... cùng nhau phát triển.
Và cuối cùng, bản thân không ngừng rèn luyện phẩm chất, tư cách đạo đức của một đại biểu dân cử; không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mọi mặt để xứng đáng với tín nhiệm của cử tri Thủ đô nói chung và cử tri Đông Anh nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Công Thọ (thực hiện)/Kinhtedothi.vn