Khuyến nghị với doanh nghiệp của Tham tán Thương mại Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm

00:00 12/10/2020

Tham tán Thương mại Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm đã có những khuyến nghị với doanh nghiệp về cách thức xuất khẩu (XK) nhằm tận dụng tốt cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đem lại.

Lễ ký kết MOU giữa VIETRADE và UNIMPRESA Italia
Ông Đào Trần Nhân - Tham tán công sứ Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ: Lưu ý đến rào cản thương mại
Doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập, đẩy mạnh XK vào thị trường này cần lưu ý đến sự cạnh tranh quyết liệt doanh nghiệp ngoại; luật lệ phức tạp, rào cản thương mại và kỹ thuật. Đối với doanh nghiệp đã thành công tại thị trường, phải chủ động theo dõi, nắm bắt, bám sát thông tin, diễn biến đối với từng vụ việc hoặc liên quan đến ngành hàng mình sản xuất để có phương án ứng phó kịp thời. Năm 2015, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham gia xử lý nhiều vụ việc liên quan đến chính sách phía Hoa Kỳ có ảnh hưởng tới hàng XK của Việt Nam. Cuối tháng 11/2015, phía Hoa Kỳ đã quyết định thực thi quy định cuối cùng về Chương trình Giám sát cá da trơn, thực hiện chuyển giao thẩm quyền giám sát cá da trơn (trong đó có cá tra/basa của Việt Nam) từ Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) sang cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quản lý. Thương vụ đã có báo cáo kịp thời về nước, phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh với quy định mới. Việc này đã được các cơ quan liên quan trong nước đánh giá cao. Ông Bùi Vương Anh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italia: Tìm hiểu kỹ quy định chất lượng tại châu Âu
Bên cạnh những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường châu Âu như: Cà phê, giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ… nhiều sản phẩm Việt Nam chưa thành công khi tiếp cận thị trường này. Để có thể đưa hàng Việt vào châu Âu một cách bền vững, theo tôi, trước hết, Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải thiện chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân trong nước phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ cần ưu tiên hướng đến mục tiêu giải quyết những khó khăn liên quan đến vấn đề: Tiếp cận thị trường, tài chính, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường quốc tế nói chung và thị trường châu Âu nói riêng. Thứ hai, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ ở ngành: Dệt may, da giày, nhựa, đồ uống... Thứ ba, tăng cường thông tin hơn nữa về thị trường châu Âu và Việt Nam cho doanh nghiệp hai bên. Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia: Xây dựng thương hiệu bền vững
Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Australia/New Zealand (AANZFTA), đến năm 2020, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng XK của Việt Nam. Đối với TPP, hiệp định này không đem lại lợi ích trực tiếp về thuế quan cho Việt Nam trong quan hệ với Australia nhưng đem lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế. Cụ thể: Thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương. Thuận lợi là thế, tuy nhiên hàng rào phi thuế quan (quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, SPS, TBT...) của Australia khá chặt chẽ. Vì vậy, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch. Thương hiệu hàng XK vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm. Do đó, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải khắc phục tồn tại, hạn chế để thúc đẩy hoạt động này phát triển tương xứng với tiềm năng XK của nước ta và nhu cầu nhập khẩu của Australia. Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán Thương mại tại Pháp: Hợp tác với nhà phân phối
Với dung lượng thị trường và sức mua lớn, Pháp là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, trừ nhóm hàng giày dép và điện thoại di động chiếm được thị phần khá khoảng 10%, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam tại đây chỉ chiếm thị phần từ 1,5- 2,5%. Hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản, thủy sản sẽ là những mặt hàng có thế mạnh nhất khi FTA Việt Nam- EU có hiệu lực. Đây là các mặt hàng có tiềm năng phát triển, có thể tăng sản lượng, chất lượng và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đang có mặt tại thị trường Pháp. Bên cạnh cơ hội, nguy cơ tranh chấp thương mại và kiện bán phá giá có thể sẽ gia tăng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và phát triển hợp tác với nhà phân phối tại châu Âu. Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc là cầu nối chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp bản địa…

Hằng-Lan/baocongthuong.vn