Giải cứu SME!

00:00 12/10/2020

Gói cứu trợ cần nhanh chóng đến tay khối SME, vốn tạo ra hơn 83% tổng số việc làm, đóng góp hơn 45% GDP.

Lần đầu tiên, hàng loạt chuỗi nhà hàng, dịch vụ lớn tại Việt Nam như Golden Gate, The Coffee House, Otoké Chicken, Guardian, The Coffee Club, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza... đã đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước... Trong đó, họ nêu 3 kiến nghị về việc hỗ trợ các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ - dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đại diện của các chuỗi bán lẻ - dịch vụ lớn nhất Việt Nam, nếu Chính phủ và các bên liên quan không hỗ trợ kịp thời theo những kiến nghị trên, thì nguy cơ phá sản rất cao.

Kiến nghị của nhóm doanh nghiệp này chỉ là một tiếng kêu nhỏ trong khó khăn chung của giới doanh nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp trụ được nửa năm.

Trong quý I, do dịch COVID-19, thu ngân sách tại TP.HCM chỉ đạt 88.421 tỉ đồng, giảm 8,63% so với cùng kỳ. Quý I có 1.523 doanh nghiệp TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ giải thể, tăng 54,5% so với cùng kỳ, 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 35 doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu công nghiệp báo cáo bị tác động bởi dịch COVID-19.

Sản xuất cơ khí quy mô hộ gia đình.

Sản xuất cơ khí quy mô hộ gia đình.

Cũng như nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam cũng có những quyết sách giải cứu doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch như gói chính sách tiền tệ - tín dụng (cơ cấu lại, giãn/hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng); gói cho vay mới có tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1-2,5%/năm; gói tài khóa (giãn/hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỉ đồng); gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỉ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế...

Quy mô các gói cứu trợ này dù rất lớn, nhưng vẫn như muối bỏ biển, chưa kể còn một chặng đường rất dài mới tới tay những người cần hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã lên tiếng rằng thủ tục để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ không hề đơn giản. Ngoài ra, tốc độ triển khai các gói hỗ trợ cũng chính là điều doanh nghiệp mong ngóng, bởi sức chịu đựng của doanh nghiệp đang giảm đi rất nhanh nên không thể bị trì hoãn thêm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch Tập đoàn FPT, cũng chỉ ra thực trạng hiện nay là “vốn thường đưa vào người giàu chứ không đưa vào nhà nghèo”, bởi các ngân hàng đang trong tình trạng “không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm”, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chính phủ đang phải thực hiện cùng lúc nhiều mũi tấn công: vừa chống dịch, vừa chống giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo việc làm cho người lao động. Đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, các gói hỗ trợ phải đảm bảo trúng, đúng, nhanh và không bỏ lại phía sau những đối tượng thực sự cần hỗ trợ. Trong đó, ngoài thúc đẩy đầu tư công, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực đang bị tác động lớn và khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Đa số các nước đều hỗ trợ đối tượng này, trong khi gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam chưa bao gồm nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và hộ kinh doanh cá thể (có đăng ký kinh doanh và nộp thuế).

Cần lưu ý rằng doanh nghiệp tư nhân chiếm đến hơn 95% số doanh nghiệp trong nước, tạo ra hơn 45 triệu việc làm, tương đương 83% tổng số việc làm, đóng góp hơn 45% GDP. Trong đó, có tới 2/3 là doanh nghiệp siêu nhỏ có vốn dưới 10 tỉ đồng và có số lượng nhân viên dưới 10 người. Hiện khoảng 2/3 số doanh nghiệp tư nhân là siêu nhỏ nên dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Song, cũng vì siêu nhỏ nên họ lại có điểm lợi là linh hoạt trong ứng phó, dễ đầu tư vì quy mô sản xuất nhỏ, dễ chuyển đổi hình thức sản xuất và thích nghi nhanh với cơ chế thị trường.

 

“Giải pháp hiệu quả phục hồi thị trường và nền kinh tế hiện nay chính là hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), bởi họ là khu vực tạo ra việc làm chính và việc làm mới”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đề xuất. Theo ông, Chính phủ cần một gói riêng cho các SME và mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỉ đồng, có thể qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng.

Để đồng tiền đến đúng địa chỉ và phát huy tác dụng, theo ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cần tiếp cận từ 2 phía, ngân hàng cần tìm mọi cách để đơn giản hóa thủ tục; doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, chuẩn bị điều kiện để sản xuất khi nền kinh tế phục hồi và có dòng tiền để trả ngân hàng.

Hoàng Hà