“Giải cơn khát vốn” từ trái phiếu, ngân hàng gặp rủi ro nào?

00:00 12/10/2020

Việc các ngân hàng phát hành trái phiếu ồ ạt thời gian qua nhằm giải quyết cơn “khát” vốn hay cải thiện hệ số CAR.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 2 tháng gần đây, nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Gần đây nhất, MBBank vừa thông báo đã phát hành được 121 tỷ đồng trái phiếu trong các ngày 28-29/11. Đây là đợt chào bán thứ tư và cùng bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư.

Trong đợt này, ngân hàng tiếp tục chào bán trái phiếu ở kỳ hạn 5 năm tương tự 3 đợt phát hành liền trước. Lãi suất tiếp tục duy trì thả nổi, tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn cộng biên độ 1%. Ngoài ra, trong đợt này, MBBank phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 8,4% và kỳ hạn 10 năm lãi suất 8,5%. Tổng cộng 4 đợt phát hành, MBBank huy động 288,2 tỷ đồng. 

Không riêng MBBank, nhiều ngân hàng khác cũng tìm đến nguồn vốn này với các kỳ hạn đa dạng. Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, từ ngày 12/11/2018 đến ngày 11/12/2018, BIDV mở bán tổng cộng 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm, nhằm thu về 4.000 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu là 10 triệu đồng/trái phiếu.

Từ ngày 31/10/2018 đến ngày 16/11/2018, Vietcombank đã có 7 lần phát hành trái phiếu với mệnh 100.000 đồng/trái phiếu, dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, có kỳ hạn 6 năm, với lãi suất 7,475%/năm với tổng cộng khối lượng trái phiếu phát hành thành công 288,3 tỷ đồng.

Trước đó, Vietinbank cho biết đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2 năm 2018, lãi suất cố định 6%/năm.

Hội đồng quản trị ACB cũng vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm tài chính 2018 với tổng mệnh giá phát hành 2.200 tỷ đồng.

HDBank cũng cho biết sẽ thực hiện phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 3 trong năm 2018 để huy động vốn. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng liên tục trong những tháng cuối năm xuất phát từ sự thiếu hụt về vốn và mục tiêu đáp ứng chuẩn hệ số CAR. Bên cạnh đó, các ngân hàng huy động vốn còn để mở rộng thị trường và còn để đảm bảo cân bằng nguồn vốn, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng là nguyên nhân khiến thanh khoản tại đa số các ngân hàng đang trở nên căng thẳng khi mùa cao điểm cuối năm đang đến.

Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% vào tháng tới theo kế hoạch đã định sẵn hay Thông tư 41 của NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới Basel II có hiệu lực với toàn bộ ngân hàng hơn 1 năm tới và thí điểm ở vài ngân hàng ngay năm sau cũng gây áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng.

Tuy vậy, BVSC cũng nhận định việc phát hành trái phiếu sẽ khiến các ngân hàng chịu rủi ro lãi suất tăng bởi đa phần các trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài và áp dụng mức lãi suất thả nổi.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.  

Việc các ngân hàng ồ ạt huy động vốn trung dài hạn qua kênh trái phiếu có tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới? Chuyên gia tài chính cho rằng, động thái phát hành trái phiếu vừa qua của các ngân hàng không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động trung và dài hạn có nhích lên một chút nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ xảy ra tại một số ngân hàng chứ không phải toàn thị trường.

TS Cấn Văn Lực chia sẻ "Với lãi suất đầu ra, hệ thống ngân hàng phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, không để tăng lãi suất cho vay và phấn đấu giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Đổi lại, việc tăng lãi suất huy động trung dài hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cần có kế hoạch tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu thay vì tăng lãi suất cho vay".