Doanh nghiệp gỗ cần thêm thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT

00:00 12/10/2020

Nội dung Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc chương trình thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (FLEGT, gọi chung là VPA/FLEGT) rất cần cơ quan quản lý Nhà nước ban hành hướng dẫn chi tiết để DN nắm rõ thông tin. go ảnh minh họa Theo quy định về khai thác gỗ hợp pháp của Liên minh châu Âu (EU) thì gỗ được khai thác tuân thủ quy định luật pháp hiện hành của quốc gia khai thác gỗ. Gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT và CITES được coi là gỗ khai thác hợp pháp, không phải giải trình khi xuất khẩu (XK) vào EU. Giấy phép FLEGT chỉ được cấp bởi các quốc gia đã kết thúc đàm phán  Hiệp định VPA với EU. Hiện nay, có tất cả 9 quốc gia đang đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU, trong đó 6 quốc gia đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định gồm: Indonesia, Liberia, Congo, Ghana, Cameron, Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam chính thức tham gia đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU từ tháng 11/2010, đến nay đã đi vào giai đoạn cuối. Dự kiến, hai bên sẽ tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 18/11 tới. Sau đó, hai Trưởng đoàn đàm phán ký tắt vào tháng 3/2017 và hai bên phê chuẩn và ký Hiệp định vào tháng 12/2017. Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết một trong những quy định mới quan trọng mà DN sẽ phải áp dụng khi thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT là cấp phép FLEGT. Khi đó, các lô hàng XK sang EU cần có giấy phép FLEGT trước khi làm thủ tục thông quan. Với các DN loại 1 thì không phải làm thủ tục xác minh XK trước khi cấp phép. Các DN loại 2 thì phải làm thủ tục xác minh XK trước khi được cấp phép. Cơ quan cấp phép FLEGT/Cơ quan CITES Việt Nam sẽ thiết kế phần mềm để cấp phép điện tử theo hướng kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, quản lý cơ sở dữ liệu. Đứng dưới góc độ đại diện cho các DN chế biến, XK gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, thời gian qua, cộng đồng DN XK gỗ Việt Nam rất tích cực hưởng ứng hiệp định. Các nội dung quy định trong hiệp định thể hiện xu thế chung là phải bảo vệ rừng, sử dụng gỗ hợp pháp, qua đó nâng trách nhiệm xã hội và tăng tính chuyên nghiệp cho DN. Ngay khi có chủ trương về đàm phán hiệp định, các DN đã khá chủ động tìm hiểu. Hiện nay nhiều DN đã ban hành quy trình quản lý gỗ, quy trình mua nguyên liệu hay quy trình chế biến gỗ… hướng dẫn chi tiết ngay tại các nhà máy. Theo đánh giá về thị trường của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, sau khi Hiệp định VPA/FLEGT ký kết vài năm có thể tăng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU khá nhanh. Hiện nay, trung bình Việt Nam XK sang EU khoảng 700-800 triệu USD/năm thì có thể tăng lên 1 tỷ USD, thậm chí 2 tỷ USD/năm. EU tiêu thụ sản phẩm gỗ lên tới 90 tỷ USD/năm nên thị trường còn rất rộng mở. Tuy nhiên với nội dung Hiệp định VPA/FLEGT dài tới 400-500 trang, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan như kiểm lâm, hải quan, thuế… phải cùng nhau hiểu, thực thi thống nhất, tránh tình trạng mỗi bên hiểu và làm một cách gây khó khăn cho DN, ông Quyền đề xuất.     (theo chinhphu.vn)