Doanh nghiệp bán lẻ Việt dửng dưng với hội nhập

00:00 12/10/2020

 Ngành bán lẻ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng nằm trong nhóm những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Chính phủ cũng đã có những chính sách ưu đãi để phát triển ngành, bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những cam kết quốc tế cũng sẽ có tác động lớn đến thị trường bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lại tỏ ra khá thờ ơ, thậm chí không hề biết tới những chính sách và cam kết quốc tế đối với ngành kinh doanh của mình.

FullSizeRender-5
TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết: Rất khó để chính sách hỗ trợ đầu tư cho một số mô hình bán lẻ được đưa vào Nghị định của Chính phủ. Vậy mà có tới 63% doanh nghiệp bán lẻ không biết về điều này.
Thờ ơ với chính sách nội địa… Trong cuộc điều tra doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ đối với ngành bán lẻ của TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cùng công sự đã cho kết qủa tuy không gây ngạc nhiên nhưng khá ảm đạm. Có tới 63% các doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ không thấy có chính sách gì hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Trên thực tế, chính sách ưu đãi đầu tư với đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở khu vực nông thôn theo Nghị định 118/2016/NĐ-CP – được xem là nhóm các chính sách ưu đãi trực diện và cụ thể nhất chỉ mới có hiệu lực từ 27/12/2015, áp dụng cho các dự án mới hoặc mở rộng thực hiện kể từ khi văn bản này có hiệu lực. Do đó, với các doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát vốn đã tồn tại từ nhiều năm, đa số không biết về chính sách này cũng là bình thường. Tuy nhiên con số 63% này cũng cho thấy doanh nghiệp dường như chưa thực sự theo sát các chính sách có lợi liên quan trực tiếp đến mình, và đây là điều rất đáng tiếc. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, lẽ ra doanh nghiệp càng phải biết và tận dụng khi có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Đặc biệt, việc vận động để Nhà nước chấp thuận các chính sách ưu đãi riêng đối với một ngành không phải là dễ dàng. Trên thực tế, phải mất nhiều năm vận động của các hiệp hội đại diện các nhà bán lẻ và cộng đồng doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ đầu tư cho một số mô hình bán lẻ mới lần đầu tiên được đưa vào một Nghị định của Chính phủ. Vậy tại sao các doanh nghiệp lại tỏ ra thờ ơ với các chính sách được coi là mang lại lợi ích trực diện trong việc kinh doanh của mình? Có tới 77% các doanh nghiệp cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nếu có, chỉ trên văn bản là chủ yếu, không có hiệu quả thực tế. Nói cách khác, đa số doanh nghiệp không quan tâm tới các chính sách bởi lý do các chính sách hỗ trợ trước đây không có hiệu quả thực tiễn, không giúp ích được gì cho hoạt động kinh tế của họ. Một kết quả khác cũng gây bất ngờ lớn liên quan tới mối liên hệ giữa các chính sách hỗ trợ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, có tới gần 60% các doanh nghiệp cho rằng các chính sách hiện nay đang có lợi cho FDI hơn là cho các doanh nghiệp nội địa.
ban-le-viet-nam
Một nguyên nhân nguy hiểm hơn hết đã được nhắc tới nhiều lần nhưng chua bao giờ hết “nóng” đó là hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ, thậm chí hàng độc hại vẫn hoành hành, tràn lan khiến doanh nghiệp bán lẻ Việt có khả năng mất “sân nhà” trong xu thế hội nhập. (Ảnh minh hoạ)
“Mặc dù điều này phần lớn là cảm nhận của doanh nghiệp, xuất phát từ những gì mà họ quan sát hơn là quy định thực tế, nhưng cảm nhận này không hề tách rời thực tế. Khi những hiện tượng chính quyền địa phương dễ dàng bỏ qua những sai phạm của doanh nghiệp FDI trong hoạt động bán lẻ (bán hàng không được phép bán, bán lẻ trong khi giấy phép là bán buôn…), mặc dù không có thống kê về số lượng nhưng rõ ràng không phải là hiếm trong thời gian qua. Đặc biệt, cần chú ý rằng hai trong ba mô hình bán lẻ được ưu đãi trong pháp luật về đầu tư (hình thức hỗ trợ có giá trị pháp lý cao nhất) lại là các mô hình mà các nhà bán lẻ nước ngoài có lợi thế và đang tập trung đầu tư nhất -có nghĩa là thực tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, Giám đốc Trung tâm WTO nhận định. …tới cam kết quốc tế Là một trong những lĩnh vực dịch vụ có mức độ phổ biến cao và sự liên hệ mật thiết với hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá, bán lẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ qúa trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến cam kết gia nhập WTO, Hiệp định TPP và EVFTA. Kết quả điều tra doanh nghiệp bán lẻ trong khuôn khổ Nghiên cứu này cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ có hiểu biết về các FTAs nói trên ở mức khá khiêm tốn. Cho đến nay, các cam kết WTO đã được thực thi 10 năm ở Việt Nam và tiếp tục sẽ còn có hiệu lực trong tương lai. Vậy mà vẫn còn một tỷ lệ lớn – gần 49% các doanh nghiệp không biết hoặc chỉ biết chút ít về WTO, con số biết về cam kết bán lẻ trong WTO còn thấp hơn nữa.
aeon
Rất nhiều đối thủ bán lẻ ngoại đang rầm rộ đổ bộ vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các FTAs, nhưng sự hiểu biết về các cam kết quốc tế của doanh nghiệp nước nhà lại khá khiêm tốn. (Ảnh Internet)
Đối với TPP và EVFTA, theo một suy đoán thông thường đây là 2 FTAs rất đồ sộ, có phạm vi rất rộng và nội dung cam kết phức tạp. Vì vậy, việc hiểu tổng thể về các Hiệp định này sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc nắm được các nội dung cam kết liên quan trực tiếp tới ngành bán lẻ. Thế nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp bán lẻ được điều tra hiểu biết về cam kết bán lẻ trong TPP, EVFTA lại thấp hơn nhiều so với việc hiểu biết về TPP, EVFTA nói chung. Theo bà Trang, điều này cho thấy, các hoạt động về công tác phổ biến hiện nay quá nặng về tuyên truyền chung, mà chưa đi vào vấn đề riêng của từng ngành, trong khi các cam kết về ngành không phải khi nào cũng dễ tìm, dễ hiểu. “Mặt khác, kết quả này có thể cho thấy thực tế đâu đó rằng, các doanh nghiệp dường như mới chỉ biết tới các Hiệp định TPP, EVFTA theo phong trào, dưới tác động của báo chí, hơn là xuất phát từ sự quan tâm cụ thể về các cam kết trong lĩnh vực của mình cũng như phân tích tác động của các cam kết này với hoạt động kinh doanh của chính mình”, bà Trang cho biết.

Với sự dửng dưng, không quan tâm tới chính sách ưu đãi trong nước cộng với thực trạng yếu và thiếu như hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam liệu có đủ sức mạnh để tham gia cuộc chiến gay gắt với rất nhiều đối thủ ngoại đang rầm rộ đổ bộ nhằm tận dụng lợi thế từ các FTAs? Đây là bài học cũng là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Giang Phan/congluan.vn