Đế chế kinh doanh dầu hào 15 tỷ USD

00:00 12/10/2020

Sau 130 năm thành lập, đế chế kinh doanh dầu hào Lee Kum Kee của gia tộc họ Lee đã trải qua 5 thế hệ và mục tiêu của họ là tồn tại hơn 1000 năm nữa.

Đế chế kinh doanh của gia tộc họ Lee ra đời cách đây 130 năm, khi đầu bếp Lee Kum Sheung tình cờ phát minh ra dầu hào trong lần nấu một nồi hàu quá lâu tạo nên hương vị ngọt và mặn đặc trưng của ẩm thực Quảng Đông. Lee Kum Sheung đã bỏ nghề đầu bếp để thành lập doanh nghiệp có tên là Lee Kum Kee, có trụ sở tại Hong Kong, chuyên sản xuất và buôn bán dầu hào, nước tương cùng nhiều loại gia vị khác mang đặc trưng của ẩm thực Trung Quốc.

Sau nhiều thập niên, Lee Kum Kee đã vươn lên thành một tập đoàn thực phẩm hàng đầu châu Á, bán đặc sản dầu hào cùng hơn 200 loại nước tương và gia vị tại 100 quốc gia trên toàn thế giới. Đến nay đế chế kinh doanh do ông Lee Kum Sheung đặt nền móng đã tồn tại đến thế hệ thứ năm. Gia tộc họ Lee cũng trở thành một trong những gia tộc giàu nhất Châu Á với khối tài sản lên đến 15 tỷ USD.

Ông Lee Kum Sheung và vợ, người sáng lập đế chế kinh doanh Lee Kum Kee. Ảnh: SCMP. 

Ông Lee Kum Sheung và vợ, người sáng lập đế chế kinh doanh Lee Kum Kee. Ảnh: SCMP

Sự tồn tại và phát triển bền vững của một đế chế kinh doanh gia đình như gia tộc Lee là một trường hợp hiếm gặp và mang tính giáo dục lớn cho các gia đình có tại châu Á. Bởi hiện nay nhiều gia tộc giàu có tại khu vực này đang loay hoay tìm cách để thoát khỏi thành ngữ "không ai giàu 3 họ". 

Gia tộc họ Lee từng trải qua nhiều lần tranh giành quyền điều hành tập đoàn Lee Kum Kee giữa những người thừa kế. Người đứng đầu đế chế kinh doanh Lee Kum Kee hiện nay là ông Lee Man Tat. Lee Man Tat đã phải trải qua các 3 cuộc chiến giành quyền kiểm soát tập đoàn với các chú, anh trai và cả con trai của mình.

Cụ thể ông Lee Man Tat nắm được vị trí điều hành gia tộc cách đây gần 50 năm sau khi giải quyết tranh chấp với các chú của mình. Sau đó ông đã mời anh trai giúp lãnh đạo công ty nhưng tầm nhìn của cả hai không thống nhất và lại một lần nữa ông Lee Man Tat giành lấy toàn bộ quyền điều hành từ anh trai mình vào cuối những năm 1980. Lúc này các con ông cùng tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia tộc sau khi lấy được bằng ở Mỹ, bao gồm cả khoa học thực phẩm, kỹ thuật hóa học, tiếp thị và tài chính.

Những tưởng sóng gió qua đi nhưng vào cuối những năm 1990, khi châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính thì cũng là lúc con trai út của Lee Man Tat, Sammy Lee, đe dọa rút khỏi tập đoàn để giành quyền kiểm soát một công ty tài chính.

Ông Lee Man Tat, 89 tuổi, người đứng đầu gia tộc Lee hiện nay. Ảnh: SCMP. 

Ông Lee Man Tat, 89 tuổi, người đứng đầu gia tộc Lee hiện nay. Ảnh: SCMP. 

Để củng cố tính đoàn kết của nội bộ gia đình và ổn định đế chế kinh doanh hàng tỷ USD thì gia tộc họ Lee đã thành lập một hội đồng gia đình vào năm 2002, đặt nền móng cho sự ra đời của những bộ phận chức năng như văn phòng gia đình, hiến pháp gia đình, nền tảng gia đình và trung tâm học tập gia đình. Các quy tắc điều lệ của công ty trong đó bao gồm: Chỉ những người trong huyết thống mới có thể sở hữu cổ phần; tập đoàn không tuyển dụng con rể hoặc con dâu; và những người thừa kế trẻ hơn được yêu cầu làm việc bên ngoài doanh nghiệp gia đình trước khi trở về.

Các nhà lãnh đạo của gia tộc, nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 15 tỷ USD, hiện điều chỉnh hệ thống quản trị để "hấp dẫn" thế hệ trẻ hơn. Các sáng kiến gần đây bao gồm việc biến các đơn vị kinh doanh vốn như công ty đầu tư mạo hiểm của tập đoàn thành nơi "đào tạo con cháu" và đưa những thành viên trong gia tộc đến những nơi như Thung lũng Silicon và Israel để học tập. Mục tiêu chính của việc này là giữ cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong 1.000 năm.

Ngày nay, các hoạt động kinh doanh của gia tộc nhà Lee Kum Kee đa dạng hơn ngoài dầu hào, với một trong số đó là tập đoàn do 2 con trai của Lee Man Tat là Charlie và Eddy quản lý. Tập đoàn này tham gia vào tất cả mọi thứ, từ bất động sản đến chăm sóc sức khỏe và đầu tư mạo hiểm. Họ đã mua tòa tháp Walkie Talkie của London trong một hợp đồng trị giá kỷ lục 1,7 tỷ USD vào năm 2017 và đang hoàn thiện một trụ sở của mình ở Quảng Châu.

Người con trai út của ông Lee Man Tat, Sammy cũng đang thành công với công ty chuyển sản xuất sản phẩm sức khỏe LKK. Công ty con Infinitus Co của LKK có doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới sau Amway, Avon và Herbalife, theo hãng nghiên cứu thị trường Direct Sell News. Sản phẩm của công ty bao gồm thuốc bổ sức khỏe, trà hỗn hợp và các sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên theo các chuyên gia đây là lĩnh vực khá mạo hiểm bởi nhà chức trách Trung Quốc đang kiểm soát gay gắt các sản phẩm liên quan đến thực phẩm chức năng, sức khỏe.

Những người kế thừa thuộc thế hệ thứ 3 và thứ 4 của gia tộc họ Lee. Ảnh: SCMP. 

Những người kế thừa thuộc thế hệ thứ 3 và thứ 4 của gia tộc họ Lee. Ảnh: SCMP. 

"Cuộc thử nghiệm thực sự cho Lee Kum Kee sẽ là liệu thế hệ mới có thể duy trì công việc kinh doanh hay không khi Lee Man Tat nghỉ hưu", Joseph Fan, Giáo sư tài chính tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói. Những nghiên cứu của ông cho thấy các vấn đề kế nhiệm tại những gia tộc giàu có ở Trung Quốc thường có liên quan đến việc mất hơn một nửa giá trị của các doanh nghiệp đối với các giao dịch công khai.

Theo nghiên cứu của Kellogg School thì thế hệ thứ 5 của Lee Kum Kee cho thấy sự thích thú trong kinh doanh với một vài người có lợi thế về việc được thực tập và đào tạo kỹ càng hơn các thế hệ trước. 

Theo Eric Ng, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm của tập đoàn Happiness Capital nhận định: "Các thành viên thế hệ thứ năm (G5) tham gia vào cuộc họp tại công ty như như một phần của chương trình thực tập sinh. Nhóm G5, như được biết đến trong đó bao gồm cả cậu con trai út nổi loạn Sammy tham gia vào các chuyến đi tìm kiếm các thỏa thuận cho nguồn cung ứng, nói chuyện với các công ty khởi nghiệp và đầu tư".

Trong khi đó Lee Chack Fan, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Hong Kong cho rằng đế chế kinh doanh của gia tộc họ Lee đang phải đối mặt với câu chuyện kế nghiệp và nhiều vấn đề khác. 

"Gia tộc Lee không chỉ phải giải quyết vấn đề kế tục mà còn phải mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Họ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường khi mọi thứ thay đổi", giáo sư Lee nói.

Sơn Nam (Theo Bloomberg)