Cuộc cạnh tranh khốc liệt của các siêu ứng dụng tại châu Á

00:00 12/10/2020

Mô hình "siêu ứng dụng" tích hợp đa tính năng như trò chuyện, đặt xe, giao hàng, mua sắm, thanh toán… đang "càn quét" tại châu Á trong một cuộc tranh đua đầy gay cấn.

Mô hình "siêu ứng dụng" tích hợp đa tính năng như trò chuyện, đặt xe, giao hàng, mua sắm, thanh toán… đang "càn quét" tại châu Á trong một cuộc tranh đua đầy gay cấn.

Cuộc chiến nóng lên từng ngày

Sau khi đến thăm người thân ở Trung Quốc vào năm 2017, Michael Xu, nhà phát triển trò chơi đến từ Toronto, Canada, đã bị mạng xã hội WeChat “mê hoặc”. Anh quyết định quay lại đây để tìm hiểu về ứng dụng này bằng cách tham gia khóa lập trình của WeChat tại Thượng Hải.

WeChat, ứng dụng có hơn 1,1 tỉ người dùng thuộc sở hữu của gã khổng lồ Internet Tencent Holdings, được coi là sự kết hợp của WhatsApp, Apple Pay, Uber, Facebook, Expedia và một loạt các ứng dụng khác. Dù không mới nhưng thành công vang dội của nó đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty trên khắp châu Á nhảy vào cuộc đua “tất cả trong 1”, tạo ra hiện tượng "siêu ứng dụng" trong khu vực.

Hiện chưa có con số chính xác về số lượng siêu ứng dụng ở châu Á, chúng đang mọc lên như nấm, kể cả ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh. Cụ thể, tại Myanmar, ứng dụng Zalo đã chinh phục thị trường này với 2 triệu người dùng. Tại Ấn Độ, tập đoàn Reliance tuyên bố hồi đầu năm nay rằng sẽ giới thiệu một siêu ứng dụng với 100 dịch vụ tích hợp.

Theo Vishal Harnal, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups, có trụ sở tại Thung lũng Silicon Singapore, cho biết siêu ứng dụng đang trở thành ngành kinh doanh béo bở ở châu Á.

Các tài xế Go-Jek chờ đặt hàng tại một quán cà phê ở Jakarta. Ảnh: Reuters

Làn sóng siêu ứng dụng được cho là bắt nguồn từ sự phát triển quá nhanh của điện thoại thông minh. Hàng triệu người tại các thị trường châu Á mới nổi đã "nhảy thẳng" vào thời kỳ smartphone mà bỏ lỡ kỷ nguyên máy tính cá nhân.

Bên cạnh đó, thị trường ứng dụng trị giá hàng tỉ đô la khiến nhiều công ty không thể làm ngơ. Chỉ riêng tại Trung Quốc đã có hơn 4 triệu ứng dụng và con số này vẫn chưa dừng lại. Các nhà phân tích nói rằng, siêu ứng dụng giúp các công ty thu hút và giữ chân người dùng giữa một biển các ứng dụng. Hơn nữa, việc cung cấp nhiều tiện ích khác nhau trên một nền tảng sẽ hạn chế các đối thủ cạnh tranh trong cuộc chiến khốc liệt này.

Amalia Ayuningtyas, một nhà tư vấn ở Jakarta, cho biết ban đầu cô tải Go-Jek, một siêu ứng dụng của Indonesia, cho mục đích đi lại của mình. Cô chỉ muốn vượt qua tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm của thành phố nhanh hơn, nhưng cô gái 27 tuổi này sớm nhận ra mình đã dùng thử các tính năng khác và bị chiêu dụ bởi các phiếu mua hàng của Go-Jek từ lúc nào không hay.

Bây giờ, Ayuningtyas sử dụng ví di động GoPay để trả tiền cho các chuyến đi, đặt bữa ăn trên GoFood và gửi tài liệu bằng GoSend. Thỉnh thoảng, cô gọi một nhân viên mát xa thông qua GoMassage và thuê người dọn phòng thông qua GoClean. Bất cứ khi nào điện thoại sắp hết tiền, cô sẽ sử dụng GoPulsa.

"Tôi là tín đồ của Go-Jek", Ayuningtyas nói và cho biết thêm, gần 20% chi tiêu hàng tháng của cô thông qua ứng dụng.

Các siêu ứng dụng phổ biến nhất tại các nước châu Á. Ảnh: Nikkei Asian Review

Hiện nay, Wechat vẫn không ngừng phủ sóng khi Tencent đưa ra lời đề nghị mà các công ty khó lòng từ chối, đó là cho phép họ xây dựng các ứng dụng mini cho Wechat với chi phí thấp và nhanh hơn ứng dụng thông thường.

Người sáng lập Tencent, Pony Ma, cho biết hơn 1 triệu ứng dụng mini đã được triển khai trên WeChat kể từ năm 2017. Alipay, công ty đã giới thiệu nền tảng ứng dụng mini của riêng mình vào năm ngoái, cho biết họ đã thu hút hơn 100.000 ứng dụng trong bốn tháng đầu tiên và thêm gần 850 ứng dụng mới mỗi ngày.

Những mảng tối của bức tranh

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng không ngừng của các ứng dụng này sẽ cản trở sự cạnh tranh và sáng tạo trực tuyến.

"Câu hỏi đặt ra là liệu các siêu ứng dụng có thể kết liễu sự cạnh tranh giống nhiều công ty khác đã từng làm hay không?", Jason David, Phó giáo sư tại trường kinh doanh Insead ở Singapore nói.

Các nhà phân tích và phát triển cho biết Tencent và Alibaba vẫn thực thi quy tắc nắm giữ quyền lực. Bất cứ ai cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái ứng dụng mini của họ và tính phí không đáng kể. Dù vậy, vẫn có những quy luật “bất thành văn”. Chẳng hạn, các cửa hàng điện tử trên WeChat không chấp nhận thanh toán qua Alipay và ngược lại. Ngoài ra, các nhà khai thác ứng dụng mini sẽ không được cạnh tranh với ứng dụng chính. Năm ngoái, Tencent đã cho tạm dừng phát lại video trực tiếp từ các ứng dụng video trên Wechat, bao gồm cả TikTok.

Tình trạng báo động về các hành vi chống cạnh tranh nhận được sự phản đối từ những người trong ngành, những người cho rằng siêu ứng dụng không thể tiêu diệt đối thủ giống như cách các doanh nghiệp truyền thống làm.

Quy mô ngành ứng dụng di động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018. Ảnh: Nikkei Asian Review

Hian Goh, đồng sáng lập Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore và là người ủng hộ Go-Jek đã phản đối quan điểm rằng các ứng dụng có thể bóp nghẹt sự cạnh tranh. Ông nói rằng, khả năng tạo ra tính cạnh tranh và phân bổ trong thế giới kỹ thuật số vô cùng cởi mở.

"Tôi phản bác ý tưởng: sự sáng tạo sẽ bị tàn sát chỉ vì những ứng dụng chiếm ưu thế hơn”, Goh cho biết thêm.

Ngọc Mai (Theo Nikkei Aisan Review)
* Nguồn: Saigon Times