Đã mất sạch - Bà Ba Sương lại khởi nghiệp

00:00 12/10/2020

 Cuộc đời vinh quang và cay đắng của bà Ba Sương khiến hàng triệu người  cảm phục và cảm động. Đến nỗi, tại phiên tòa xét xử bà, hàng trăm công nhân Nông trường Sông Hậu (NTSH) - nơi bà từng làm Giám đốc - xin được đi tù thay cho bà. Cha bà và bà cả đời cống hiến cho NTSH nhưng khi rời NTSH bà chỉ có hai bàn tay trắng; không chồng con, không nhà cửa…

Bây giờ, ở tuổi 67, bà lại khởi nghiệp. Bà nói: “Tôi muốn làm lại với một dự án nhỏ, vừa sức với mình. Còn khối óc bàn tay, tôi sẽ cùng nông dân đi tiếp. Tôi nhất định phải nhìn thấy nông dân giàu lên, trước khi tôi không còn sức để làm việc cùng họ”.

tran-ngoc-suong

Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm Nông trường Sông Hậu tháng 1-1996. Ông Năm Hoằng - ba của bà Ba Sương, một người nông dân luôn đi chân đất cho dù đón lãnh đạo cao cấp - Ảnh tư liệu

Bà Ba Sương tên thật là Trần Ngọc Sương (sinh 1949), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn là Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002. Cha của bà là ông Trần Ngọc Hoằng, người có công tổ chức khai hoang gần 7.000 ha đất ở vùng Hậu Giang. Cả hai cha con lần lượt giữ chức giám đốc Nông trường Sông Hậu, đã góp công lớn trong việc đưa Nông trường Sông Hậu trở thành một trong những đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật ở thời kỳ đổi mới và cả hai cha con đều được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trong suốt 28 năm gắn bó với Nông trường Sông Hậu, 21 năm liền bà Ba Sương là Chiến sĩ thi đua các cấp, nhận được nhiều bằng khen ở các cấp Trung ương - địa phương và các tổ chức Đoàn - Đội, 11 Huy chương Vì sự nghiệp của các tổ chức Đoàn Hội các Bộ. Bà cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 10 năm liền qua 2 nhiệm kỳ khóa V và khóa VI.

tran-ngoc-suong

Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ trao danh hiệu Anh hùng lao động lần 2 cho Nông trường Sông Hậu năm 1999 - Ảnh tư liệu

Năm 2005, Thành ủy Cần Thơ ra chỉ đạo chuyển toàn bộ đất của 2 Nông trường Cờ Đỏ và Sông Hậu sang đất công nghiệp. Chủ trương trên tác động trực tiếp tới đời sống của 3000 nông dân nông trường. Là lãnh đạo của Nông trường Sông Hậu, bà tỏ ý không tán thành chỉ đạo này. Quan điểm của bà được dư luận và một số chính khách có tên tuổi ủng hộ. Ngày 5 tháng 8 năm 2008, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thành ủy Cần Thơ về việc không tán thành chủ trương của Thành ủy. Do áp lực dư luận, Thành ủy Cần Thơ buộc phải ngưng thực hiện chỉ đạo này.

Từ giữa năm 2006, Nông trường Sông Hậu thường xuyên bị thanh tra và kết tội quản lý lỏng lẻo gây thất thoát tài chính. Dù sau đó, bà và các lãnh đạo Nông trường đã tìm cách khắc phục, Đầu 2008, bà được "gợi ý" nghỉ hưu với lý do quá tuổi (tuổi nghỉ hưu theo quy định của nữ công chức là 55 tuổi) và nhường vai trò lãnh đạo cho lớp trẻ.

 Ngày 9 tháng 9 năm 2008, bà bị khởi tố về hành vi lập quỹ đen trái phép nhiều tỷ đồng. Ngày 11 tháng 8 năm 2009, bà mới bị đưa ra xét xử tại tòa sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ đã xử phạt bà Sương 8 năm tù tội "lập quỹ trái phép", buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà đã kháng cáo. Đến ngày 19 tháng 11 phiên phúc thẩm diễn ra giữ nguyên bản án từ phiên sơ thẩm. Trong lần xét xử thứ hai, phiên tòa đã thu hút nhiều dư luận, trong đó có cả cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Bên cạnh đó đã xuất hiện đơn của hơn 100 nông trường viên xin ở tù thay cho bà. Bản thân bà luôn kêu oan. Luật sư của bà cho biết, vụ án này là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng hình sự. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nêu quan điểm đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh "lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu, đồng thời xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc Sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.

ba-ba-suong

Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, ngày 19 tháng 1 năm 2012, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án Nông trường Sông Hậu và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với từng bị can. Ngày 09/02/2012, bà Sương đã được khôi phục sinh hoạt Đảng.

Ngày 25/7/2013, bà thành lập công ty TNHH chế biến hàng nông sản mang tên Ba Sương ở TP.HCM. Ngày 13/8, bà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (cơ sở mà bà và cha bà đã lập ra). Ở tuổi gần 70, nữ anh hùng Ba Sương bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng sau những sóng gió cuộc đời.

tran-ngoc-suong

Bà Ba Sơng lại khởi nghiệp ở tuổi 67

Ngày 6/4/2016, Công ty Cổ phần Nông trường Sông Hậu làm lễ động thổ Nhà máy đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Người hỗ trợ, tư vấn triển khai dự án không ai khác là bà Trần Ngọc Sương.

Các đối tác là Công ty USFI, Inc (liên doanh giữa Tập đoàn US Foods International – Hoa Kỳ và Tập đoàn Hyundai – Hàn Quốc) cam kết bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái cây, rau, củ, quả của Việt Nam. Các đối tác đến từ Hoa Kỳ cũng chính là đối tác của bà Ba Sương trước đây.

Dưới đây là bài viết đăng trên báo Dân Việt của tác giả Hữu Danh về bà Ba Sương

Chuyện bà Ba Sương - người phụ nữ “không thể chết được”

Trong lễ động thổ dự án nhà máy đóng hộp rau củ trị giá hơn 700 tỷ đồng ở Vĩnh Long, các đối tác nước ngoài cũng như chủ đầu tư dự án dành sự ưu ái đặc biệt đối với bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương - Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH); người hỗ trợ, tư vấn cho dự án). Cũng tại buổi lễ này, lãnh đạo địa phương và các sở ngành đều đến chào hỏi bà Ba Sương với thái độ đầy kính trọng.

Anh hùng… không nhà

Ít ai biết là, cho đến giờ, bà Ba Sương - Anh hùng Lao động, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu Người phụ nữ tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là người đang “ở đậu” ở TP.HCM vì không có nhà cửa. Bàn thờ của cha bà - Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, vẫn còn nằm ở đất NTSH, những công nhân hằng ngày hương khói thay bà.

Trước khi vụ án NTSH bị đình chỉ vào năm 2012 thì căn nhà công vụ mà bà đang ở đã bị đòi lại. “Sức tàn lực kiệt, trong túi không tiền, tôi phải ở nhà thuê. Có lúc, đang ở thì chủ nhà sửa nhà, có khi bán nhà, hoặc làm kinh doanh nên tôi phải dọn đi. Già rồi, 5 năm mà 7 lần dọn nhà, lần nào dọn cũng mệt bơ phờ. Lần này, tôi đang ở đậu nhà một người quen. Người ta thương mình, nên không tốn tiền” - bà Ba Sương kể.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi mới 16 tuổi, bà Ba Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu (1965), giỏi giang từ chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa... Mới 16 tuổi, trường cao đẳng này đã nhận bà vào học. Ra trường, bà đi làm giáo viên. Sau giải phóng, thấy nông dân còn lạc hậu, bà Ba Sương bỏ việc nhẹ nhàng phù hợp với thiên chức  phụ nữ, đi học khóa đầu tiên Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.

“Cả nhà tôi đều là nông dân. Cha tôi đã truyền cho tôi tình yêu với mảnh ruộng, bờ ao. Vì thế sau một thời gian về công tác ở NTSH, tôi đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành nông trường kiểu mẫu” - bà Ba Sương nhớ lại.

Anh hùng chân đất Trần Ngọc Hoằng - người nông dân lội sình nhiều đến mức bàn chân xòe ra, không thể mang giày dép. Đón Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm NTSH vào năm 1996, ông Năm Hoằng mặc áo bỏ vào quần, nhưng vẫn đi chân đất (ảnh của bà Ba Sương).

“Tiền sạch nên tôi nhận”

Nhờ có nghề nấu nướng, mỗi lần NTSH mở tiệc đãi công nhân, nữ giám đốc thành nữ đầu bếp, đích thân nấu nướng phục vụ cấp dưới của mình. Cũng nhờ cái tài lẻ này mà mấy năm nay, bà đi nấu ăn cho các đám tiệc. Bà bảo bà không ngại danh phận anh hùng phải vào bếp. Nghề nào cũng quý nên Ba Sương không ngại gì cả. Bà nói, vì bà có một đứa con nuôi đang học năm cuối nên phải cố để lo cho con.

“Hồi tôi đương chức, mỗi năm nông trường xuất khẩu vài trăm ngàn tấn gạo, rồi nhiều nông sản khác. Có những hợp đồng người ta “trả ơn” vài tỷ đồng, nhưng tôi không lấy. Vì lấy thì tôi hưởng riêng nhưng nông trường sẽ nợ họ, nông dân nợ họ thứ khác. Bởi vậy, khi tôi bị ra tòa, tôi biết mình không thể chết được. Giờ thì vẫn có người cho tiền tôi, mỗi lần vài triệu. Đó là tiền sạch nên tôi nhận. Tôi còn phải lo cho con gái nuôi của mình” - bà Ba Sương nói.

Ở tuổi 67, bà Ba Sương đang nỗ lực gây dựng thương hiệu Ba Sương - Long Mỹ. Bà nói, đã đi qua hàng chục nước nông nghiệp phát triển để học hỏi và rút ra kết luận: Nông dân Việt không thể sản xuất lớn vì đất đai manh mún. Bà muốn cùng nông dân thực hiện những mô hình nhỏ - vừa, phù hợp vơi thực tế Việt Nam.

“Nông trường Sông Hậu từng là mô hình kiểu mẫu, không chỉ trong nước mà nhiều đoàn khách quốc tế cũng đến trao đổi kinh nghiệm. Nhưng mô hình quốc doanh thì không còn phù hợp nữa. Tôi và các cộng sự của mình đang cố hết sức để làm thương hiệu nông sản sạch với những người nông dân. Già rồi nhưng tôi vẫn đau đáu chuyện nông dân phải giàu, nông sản phải sạch. Mà nói nhà báo đừng cười, tiền làm thương hiệu khoảng 200 triệu đồng, tôi cũng phải chắt bóp lương hưu, rồi đi nấu ăn để dành mà vẫn chưa đủ. Mình cứ cố hết sức thôi”, bà Ba Sương nói.

Bà Ba Sương tâm sự, bà nặng nợ với nông dân và sẽ cố gắng làm. “Nông nghiệp sạch tôi làm chưa xong thì các anh em cùng chí hướng sẽ làm tiếp. Tôi còn món nợ riêng khác, buộc phải trả chứ không ai có thể làm thay. Đó là cha con tôi không có nhà cửa gì, vì cứ nghĩ sống ở nông trường thì chết cũng ở nông trường. Cha chết rồi, bàn thờ vẫn ở nông trường, nhưng nơi đó không thuộc về mình. Trước khi nhắm mắt, tôi phải mua cho được một cái nhà nhỏ, đặt bàn thờ của cha tôi vào và đốt nhang cho cha” - bà Ba Sương nói.

Có lẽ cha con bà Ba Sương là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - khi cả hai đều là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng đến cuối đời chỉ dám mơ nơi đặt bàn thờ cho tử tế.

Minh Cao (TH)