Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo

00:00 12/10/2020

Không phải là nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nhưng ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bởi "Sức sáng tạo và thành công của Busadco là minh chứng điển hình cho việc biết lấy khoa học và công nghệ làm đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp".

Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco).

Nghe tiếng từ lâu, tôi tưởng ông một người hào hoa sang trọng, bệ vệ. Vị tổng giám đốc lại không phải thế. Hoàng Đức Thảo gặp và tiếp chúng tôi giản dị và dễ gần như một người thợ trên công trường.

Đầu húi cua, nước da bánh mật, ông Hoàng Đức Thảo say sưa kể về đời làm thợ. Sinh năm 1960, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Thắng (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nhà đông anh em, bố mẹ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cuộc sống vẫn luôn quẫn bách. Hết cấp hai (lớp bảy phổ thông bấy giờ) ông Thảo quyết định tạm ngừng đèn sách.

"Một buổi chiều mùa hè, đang tuốt lúa tại sân kho, nghe mấy thằng bạn bảo nhau: "Đợt này, dưới huyện đang tuyển một lớp công nhân lao động kỹ thuật". Chưa biết nghề gì nhưng nghe hai chữ "kỹ thuật" là ông Thảo thấy sướng. Người nhỏ thó, sợ "thấp thước nhẹ cân", ông phải giấu thêm sỏi vào túi quần và cố kiễng chân khi bác sĩ đo chiều cao. Với bộ hồ sơ bản thân "rõ ràng", lý lịch gia đình "trong suốt", sức khỏe tốt, ông Hoàng Đức Thảo trúng tuyển và được vào đào tạo tại Trường công nhân kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đóng tại Mỏ Chè (Phổ Yên, Bắc Thái). Khóa học của ông chỉ gói gọn thời gian trong hai năm (năm 1977-1979), vậy mà từ khâu lý thuyết đến kỹ năng thực hành, Hoàng Đức Thảo đều tỏ ra vượt trội so với mọi người trong lớp. Vào trường mới 17 tuổi, ra trường 19 tuổi, Hoàng Đức Thảo "chàng trai quê lúa Thái Bình" đã nuôi trong mình một hoài bão lớn: Không sợ khổ và không sợ đi xa, ông đã vượt đến ngàn cây số về làm thợ sắt tại Công ty xây dựng số 10 (Nhà máy xi-măng Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).

Thời ấy, Nhà máy xi-măng Hà Tiên thường phải nhập máy cắt sắt của Trung Quốc, cứ chạy chưa tới hai mươi ngày lại gặp sự cố do lưỡi cắt đột ngột bị đứt. Cái "khôn ranh" của nhà chế tạo loại máy này là họ không bán kèm thiết bị dự phòng. Mỗi lần mua thiết bị thay thế, vừa mất nhiều thời gian, vừa đình trệ công việc, lại phiền toái nhất là họ chỉ bán đủ số lượng cho máy lúc hỏng. Thợ sắt tức lắm! Sau vài tháng vắt óc đã tìm ra giải pháp làm gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại làm đứt lưỡi. Sáng kiến ấy của Hoàng Đức Thảo được thử nghiệm và đã giúp cho hoạt động dây chuyền sản xuất hằng ngày được thông suốt. Năm 1980, thợ sắt Hoàng Đức Thảo được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Kiên Giang.

Có lẽ, sự vinh danh này đã trở thành "hành trang" thôi thúc sự đam mê và niềm tin. Ông Thảo tâm sự: "Con nhà nông nghèo nhưng bản thân luôn là người thợ".

Trải qua nhiều nghề và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đến bây giờ, ông Hoàng Đức Thảo làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ làm cho nhiều người trong nước mà những nhà khoa học trên thế giới cũng ngạc nhiên và khâm phục. Phục vì vị giám đốc này chưa qua đào tạo ở một trường đại học chính quy nào. Phục nữa là mọi công trình nghiên cứu và phát kiến của ông, không nhờ một đồng nào từ "túi" ngân sách Nhà nước cấp, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn đều trở nên hữu ích.

Ông Thảo nhớ lại: Tháng 9-2003, ông được giao quản lý Công ty thoát nước Vũng Tàu. Tiếng là giám đốc nhưng thủ trưởng và nhân viên khổ như nhau. Đơn vị có 30 người, cả sếp và lính, mỗi ngày, tất cả đều phải chui vào ống cống thông tắc theo lối thủ công. Nhiều lần chui vào cống, cùng anh em đã cho ông thấu hiểu sự vất vả của công nhân. Cống tối như bưng, nước đen kịt bốc lên mùi xú uế, dù đã đi ủng, đeo găng tay, mặc cả đồng phục bảo hộ cao-su, nhưng nhiều lúc vẫn không tránh phải khỏi rủi ro dính đinh nhọn, lưỡi dao lam nằm trong bùn. Đi thực tế như thế, đêm về, ông Thảo không thể nào ngủ được. Nếu cứ làm theo lối mòn này, chẳng bao giờ thoát nước một cách dễ dàng được, hơn nữa không bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe cho công nhân. Từng làm thợ và quản lý, tiếp cận nhiều công trình xây dựng, cho nên ông Thảo khá am tường về tính năng, tác dụng của một số máy móc nạo vét và dịch chuyển được từ thấp lên cao. Thế rồi, ông ấp ủ đề tài chế tạo máy kéo tời. Từ ý tưởng đến hiện thực, ông phải vẽ đi chỉnh lại hàng trăm lần trên bản thiết kế. Sau bao lần "lao tâm khổ tứ" mong muốn đó đã trở thành hiện thực.

Lần đầu thử nghiệm, nhìn những nhân viên đứng trên miệng cống điều khiển một cách nhẹ nhàng, dây tời lướt tới đâu, rác rưởi và bùn đọng sạch bong tới đó, ông Thảo cảm thấy như trời ban "hồng phúc". Lòng mừng khôn xiết khi ông chính là người đầu tiên giải phóng cho hàng loạt công nhân phải chịu cảnh suốt ngày lầm lũi, gập lưng cắm mặt trong hầm tối, ngột ngạt, bẩn thỉu.

Sau thành công, đơn vị đã sản xuất hàng loạt sản phẩm và cung ứng đầy đủ cho thị trường. Cụm tời nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị cho năng suất tăng gấp 20 lần so với phương pháp thủ công, và điều quan trọng hơn chính là sức lao động được tôn trọng, người lao động được giải phóng.

Mỗi lần gặp gỡ bạn bè, bằng hữu, ông Hoàng Đức Thảo thường tâm sự "Đây chính là sản phẩm mà tôi tâm đắc nhất. Một công trình phát minh, sáng chế đưa vào đời sống rất bị nhiều lực cản. Người tin thì ít, nhưng kẻ phản ứng và dèm pha thì nhiều. Nhưng điều may mắn của tôi là gặp được những người ủng hộ thật lòng, thật tâm huyết. Chính vì thế mà sản phẩm này khi có công dụng lớn, đưa đi dự thi đã giành giải cao trong nước và quốc tế".

Ăn cũng nghĩ công việc, ngủ cũng trằn trọc không yên, ông trở thành người luôn luôn chạy đua với thời gian. "Một ngày làm cho môi trường thêm xanh sạch đẹp là một ngày vui". Quan niệm ấy như có chất men say thôi thúc ông nghiên cứu tìm tòi và phát kiến".

Với 30 công trình giải pháp hữu ích, sản phẩm phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 23 sản phẩm đã và đang được ứng dụng rộng rãi, 17 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 13 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục tiêu chuẩn Việt Nam, đủ nói lên rằng, trí tuệ của ông Hoàng Đức Thảo cùng tập thể Busadco là phi thường.

Những sản phẩm như cụm tời nạo vét cống rãnh, hệ thống thu gom nước mưa và ngăn mùi kiểu mới đã lần lượt được ứng dụng tốt tại hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước. Một sản phẩm khá độc đáo là "Bể phốt nông thôn", không chỉ khắc phục được tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặn mà còn có khả năng kiểm soát tận gốc nguồn xả thải, đồng bộ kết nối hệ thống thu gom, bao đón, chuyển tải, xử lý tập trung nước thải, chất thải sinh hoạt, góp phần phòng chống được nhiều dịch bệnh lây lan.

Sản phẩm bảo vệ bờ và đê biển, chống biến đổi khí hậu từ thành tựu khoa học công nghệ của Busadco áp dụng tại Thái Bình.

Ông Thảo từng kể: Chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn là đề tài ông thấy mình dũng cảm nhất. Bởi bê-tông cốt thép thế giới đã có hàng trăm năm rồi. Bây giờ mình tự dưng cải tiến, nó có ngớ ngẩn và bất thường không? Để quyết định nghiên cứu công nghệ bê-tông cốt thép thành mỏng, không chỉ đầu tư chất xám của mình mà còn lôi kéo cả cộng sự vào cuộc. Nếu không thành công thì phải trả giá đắt, vừa mất tiền của, lại bị dư luận lên án gay gắt. Niềm tin của mình bị đổ vỡ.

Nhưng ông Hoàng Đức Thảo, người leo lên đỉnh dốc này đã thành công, tạo được thế đứng vững chãi.

Từ những đề tài nghiên cứu và phát minh của ông, đã tạo nên những sản phẩm đáp ứng rộng rãi nhu cầu phục vụ khách hàng trong cả nước, Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã lần lượt xây dựng các nhà máy công nghiệp trên địa bàn toàn quốc. Khu vực miền bắc đặt tại Đông Anh (Hà Nội), Kiến Xương (Thái Bình), Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Khu vực Bắc Trung Bộ đặt tại thành phố Vinh (Nghệ An). Khu vực Nam Trung Bộ đặt tại Nha Trang (Khánh Hòa). Khu vực Đông Nam Bộ đặt tại thành phố Hồ Chí Minh Và thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chỉ hơn 10 năm, Công ty Busadco đã có một nguồn nhân lực dồi dào với 750 lao động và 87 kỹ sư gồm các chuyên ngành.  Công ty Busadco từng được Việt Nam Report đánh giá một trong 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam.

Đại diện Trường đại học Kỷ lục thế giới trao "Bằng danh dự Tiến sĩ Kỷ lục" tặng Tổng Giám đốc Hoàng Đức Thảo.

Một vinh dự lớn lại đến với Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, ngày 30-8-2013, Trường đại học kỷ lục thế giới đã trao "Bằng danh dự Tiến sĩ Kỷ lục" cho ông, bởi ông là "Người Việt Nam đầu tiên đạt nhiều giải thương nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học và công nghệ".

Trong sự nghiệp của và tâm trí của mình, ông Hoàng Đức Thảo luôn dành nhiều tình cảm cho Thái Bình và Thái Bình cùng là tỉnh đầu tiên trong cả nước mạnh dạn đi tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng; bảo vệ bờ và đê biển, chống biến đổi khí hậu từ thành tựu khoa học công nghệ của Busadco. Cũng như bao người con Thái Bình xa quê hương, dù đi đâu và bất cứ lúc nào, ông Hoàng Đức Thảo cũng luôn nghĩ về quê hương, dành những tình cảm tốt đẹp nhất về mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, góp phần cho sự trưởng thành của mình. Trên tinh thần ấy, Busadco là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong cả nước đang phát triển mạnh mẽ và phủ vùng hoạt động khắp cả nước đã luôn đặt lợi ích thiết thực của người dân Thái Bình nói riêng, người dân cả nước nói chung lên trên lợi ích của doanh nghiệp.

PV tổng hợp