Việt Nam là nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới hiện nay

21:42 24/07/2023

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, tôm Việt Nam hiện được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

“Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,56 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao”, ông Ngô Thế Anh nêu tình hình.

Xác định ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ cả yếu tố chủ quan và khách quan, ông Thế Anh cho rằng, trong nửa cuối năm 2023, ngành cần tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa.

Mặc dù xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm của Việt Nam giảm sâu hơn 30% kim ngạch nhưng vẫn có thể lạc quan về tình hình trong nửa cuối năm, khi có nhiều thị trường có dấu hiệu tích cực, trong đó có Mỹ và Bắc Âu.
“Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch với mục tiêu đạt 563.000 tấn sản lượng cả năm”, ông Ngô Thế Anh cho biết.
Ngọc Phi (TH)