UBND TP Hà Nội: Phải chủ động xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp

23:49 12/05/2023

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện; Chủ động rà soát, chỉ rõ các vi phạm để xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp.

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng 12/5, UBND TP Hà Nội cho biết, theo giám sát của HĐND, thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2012. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được.

Cũng theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong khi nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao thực sự, lại đang xuất hiện tình trạng nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.

Phải chủ động xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp
Phải chủ động xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp.

Đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP cho rằng, cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. Chủ tịch UBND TP cho biết: “Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND TP lập tổ công tác, bay flycam 6 ở quận huyện ven sông, chỉ rõ các vi phạm để xử lý. Không phải chờ báo chí phản ánh mới làm”.

Liên quan công tác quản lý đất nông nghiệp của Hà Nội, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, những năm qua, các cấp, chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản để xử lý các vi phạm. Từ năm 2018, Sở TN&MT đã thành lập 3 đoàn thành tra để thanh tra các sai phạm trên đất nông nghiệp. Sau khi thanh tra 30 quận huyện đã phát hiện 62.624 trường hợp vi phạm, trên tổng diện tích 1.892ha.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Cường cho biết tùy thuộc vào từng loại đất nông nghiệp để có hướng xử lý phù hợp. Cụ thể, đối với các dự án đã được nhà nước giao cho chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã rà soát 404 dự án chậm triển khai sau đó bổ sung thêm một số dự án. Sau rà soát, đã chấm dứt hoạt động 15 dự án. Các bãi bồi được xác định là đất công và giao cho sở, ngành, ban quản lý dự án quản lý. Nếu địa phương có phương án, lập quy hoạch thì chuyển giao cho địa phương quản lý các bãi bồi này. Ngoài ra, với các quỹ đất chưa giao cho nhà đầu tư mà có kênh mương, bãi bồi thì người dân có thể tận dụng sản xuất.

PV (t/h)