UBND tỉnh Phú Thọ mở Hội nghị trực tuyến đánh giá về báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

11:08 13/11/2021

Ngày 12/11/2021, đồng chí Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị UBND tỉnh nghe các sở, ngành báo cáo một số nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch năm 2022; thực hiện dự toán ngân sách năm 2021, xây dựng dự toán ngân sách năm 2022, kế hoạch 3 năm 2022 - 2024 cùng nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung: Một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; đánh giá, phân tích thêm “sức khỏe” của nền kinh tế, các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua; giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao tác động đến sản xuất nông nghiệp; người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhất là lao động từ các địa phương khác trở về;…

Sau khi nghe các dự thảo báo cáo và các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú thọ- Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Năm 2021, đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, song dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Phú Thọ đã thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là về cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, giải quyết được những vướng mắc kéo dài cho nhiều dự án đầu tư, xây dựng nông thôn mới... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Nguyễn Thanh Hải đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá cụ thể “sức khỏe” của nền kinh tế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Nguyễn Thanh Hải đề nghị các cơ quan chuyên môn đánh giá cụ thể “sức khỏe” của nền kinh tế.

Đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thống nhất, bổ sung số liệu, có sự so sánh, phân tích cụ thể để đánh giá chính xác kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021.

Về các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2022, cần làm rõ hơn một số nội dung: Dự báo thêm các yếu tố thuận lợi, những yếu tố năng lực tăng thêm tác động đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phân tích khó khăn liên quan đến các dự án lớn sẽ triển khai. Bên cạnh đó, bổ sung giải pháp nhằm hoàn thành tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cơ chế để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển và biện pháp cụ thể để đẩy mạnh cải cách hành chính; điều chỉnh lại số liệu lũy kế các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, nhất là các nguồn thu ngoài quốc doanh; thống nhất nguồn đầu tư cho các cơ sở y tế, trên tinh thần đẩy mạnh tự chủ, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng cho ý kiến cụ thể một số nội dung: Dự thảo quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn  đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2020; dự thảo quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025; dự thảo quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025.

Theo dự thảo báo cáo năm 2021, kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả tích cực trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 8/9 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,09%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.506,9 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Phú Thọ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Phú Thọ.

Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so năm 2020. Công tác tổng hợp, phân bổ các nguồn vốn đầu tư công được triển khai kịp thời, đúng quy định, bảo đảm nguyên tác, thứ tự ưu tiên. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 30/10, tỷ lệ giải ngân đạt 74,7% kế hoạch vốn giao trước ngày 15/9; 51,6% vốn giao sau ngày 15/9.

Các ngành dịch vụ cơ bản ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 16,2 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhiều dự án trọng điểm quy mô lớn được triển khai. Công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân được thực hiện đồng bộ và linh hoạt, tập trung vào các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo yêu cầu Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển vững chắc, triển khai các nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện ở từng cấp học, bậc học; kết quả thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia duy trì vị trí tốp đầu cả nước; quy mô trường lớp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ 90,43%. Chất lượng khám chữa bệnh các tuyến được nâng cao, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

PV