Tính từ đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã có 42 dự án mới tại nước ngoài

15:04 27/05/2024

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 5 tháng đầu năm 2024. Hà Lan là quốc gia thu hút vốn đầu tư nhiều nhất từ Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài với 42 dự án mới và điều chỉnh vốn cho 10 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong giai đoạn này đạt 136,07 triệu USD, tương đương 43% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được phân bổ vào 16 ngành khác nhau. Trong đó, ngành khai khoáng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 23,9% và ngành bán buôn, bán lẻ chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư.

Tính từ đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã có 42 dự án mới tại nước ngoài
Tính từ đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã có 42 dự án mới tại nước ngoài.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 5 tháng đầu năm 2024. Hà Lan là quốc gia thu hút vốn đầu tư nhiều nhất từ Việt Nam, chiếm 40,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Lào với 36,8%, Hoa Kỳ với 5,6%, và New Zealand với 4,3%.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 22,25 tỷ USD. Vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%) và nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Lào là địa bàn nhận đầu tư lớn nhất từ Việt Nam, chiếm 24,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Campuchia với 13,1% và Venezuela với 8,2%.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu hàng hóa mang về 88,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Kết quả kim ngạch của nhóm doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 28 mặt hàng. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao vẫn là các nhóm hàng điện tử với tổng 45 tỷ USD cho 3 mặt hàng điện tử lớn nhất. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 20,9 tỷ USD, tăng 33% YoY; đứng sau là điện thoại và linh kiện với 18 tỷ USD, tăng 5% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD, tăng 6% YoY.

P.V (t/h)