Thứ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh nội dung các địa phương cần lưu ý khi triển khai đô thị thông minh

19:54 17/04/2024

Triển lãm Smart City Asia chính thức diễn ra từ sáng ngày 17/4/2024 tại Sảnh A - Trung tâm triển lãm SECC Q7, TP.HCM. Trong ngày đầu tiên triển lãm đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan.

Ảnh minh họa
Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 từ ngày 17 đến 19-4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7).

Ông Shin Huyndai- Chủ tịch Hiệp hội MICE Hàn Quốc kiêm Giám đốc điều hành của Exporum INC, BTC sự kiện Thành phố thông minh Châu Á 2024 chia sẻ, thông qua triển lãm thương mại này, chúng tôi mong muốn giới thiệu các công nghệ mới nổi đang thay đổi cách chúng ta tương tác với môi trường đô thị.

“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và đặc biệt cảm ơn Ngài Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác khác đã luôn hỗ trợ giúp đỡ. Chúng tôi mời bạn hòa mình vào hệ sinh thái đổi mới phong phú này, tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa và cộng tác hướng tới một cảnh quan đô thị thông minh hơn, bền vững hơn."

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh các nội dung để các địa phương lưu ý trong quá trình triển khai:

Thứ nhất, Cần thống nhất nhận thức chung phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,... Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Thứ hai, phát triển ĐTTM chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á 2024 .

Thứ ba, phát triển ĐTTM là một quá trình liên tục và lâu dài, không phải chỉ trong ngắn hạn và đây là vấn đề lớn, cần nhiều nguồn lực để tổ chức triển khai, bao gồm sự liên quan, tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực và của cả cộng đồng xã hội. Do vậy, phát triển ĐTTM đòi hỏi phải nhận thức đúng và đầy đủ để tiếp cận một cách tổng thể, xác định rõ bài toán của đô thị để có lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm kế thừa, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của địa phương.

Thứ tư, các địa phương cần xác định hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Thứ năm, đề nghị người đứng đầu địa phương phải quyết liệt chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để hình thành được kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, tập hợp đầy đủ dữ liệu của các ngành, lĩnh vực, chính quyền các cấp; dữ liệu phải được thường xuyên cập nhật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Trên cơ sở đó, xác định rõ các bài toán nghiệp vụ trong chỉ đạo, điều hành, phát triển các công cụ phân tích dữ liệu để khai thác tối đa giá trị của dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Lãnh đạo TPHCM và Thứ trưởng Bộ TTTT thăm các gian hàng triển lãm.

Liên quan đến nội dung này, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ sơ dữ liệu (CSDL) dùng chung trình Chính phủ trong tháng 5/2024. Trong đó tập trung làm rõ các CSDL dùng chung, bao gồm CSDL quốc gia, CSDL của các bộ, ngành, địa phương và mối quan hệ giữa các CSDL dùng chung; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo dữ liệu trong cơ quan nhà nước được quản lý thống nhất, nhất quán và có thứ bậc. Các quy định tại dự thảo Nghị định này sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc hiện nay của địa phương trong việc tổ chức, hoạch định và triển khai các CSDL phục vụ phát triển chính quyền số và ĐTTM.

Ảnh minh họa

SMARTCITY ASIA 2024 có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, gần 200 gian hàng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ và dự kiến thu hút khoảng 120.000 lượt khách tham quan.

Ông Nguyễn Quốc Thống - Giám đốc CARA LIGHTING cho rằng, Việt Nam đang thay đổi khá chậm, một phần vì chất lượng sản phẩm trên thị trường đa dạng và chưa kiểm soát được nên người tiêu dùng e ngại khi sử dụng, thị trường TPHCM và Việt Nam sẽ phát triển trong thời gian tới, cụ thể có thể thấy Việt Nam đang ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng để phát triển công nghệ chiếu sáng.

Bà Ivy Li - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Tập đoàn iomniscient chia sẻ, Australia là 1 công ty có 23 năm kinh nghiệm phát triển ứng dụng AI. Chúng tôi đã góp phần xây dựng 75 thành phố thông minh trên 70 quốc gia. Cách chúng tôi tiếp cận cách thị trường mới bằng cách chia sẻ thông tin, phổ cập kiến thức và hướng dẫn từng bước cách ứng dụng  AI trong thành phố thông minh. Sản phẩm chính của chúng tôi là phần mềm kết hợp đa cảm biến như thị giác, htính giác, khứu giác điện tử để giải bài toán an toàn, an ninh và hiệu quả vận hành. Về lĩnh vực học sâu – Deep learning cũng xin nói thêm một tin vui là không cần sử dụng mô hình học sâu hay bất kỳ GPU nào. Chúng tôi đã có 300 ứng dụng cụ thể sử dụng công nghệ AI đã được kiểm chứng, bạn có thể thấy một trong số đó trên poster ở quầy. Chúng tôi đã có một hệ thống phát hiện khói, báo cháy vô cùng chính xác, đã được sử dụng trong rất nhiều nhà máy sản xuất, dàn khoan dầu khí, ngành công nghiệp tiện ích cơ sở ( điện, nước, gas).

MobiFone mang đến giới thiệu tại triển lãm: AIOT platform, nền tảng du lịch thông minh Smart travel, giải pháp văn phòng thông minh Smart Sales, nền tảng họp trực tuyến Meet, nền tảng học trực tuyến mở Moocs, giải pháp hợp đồng điện tử MobiFone eContract
MobiFone mang đến giới thiệu tại triển lãm AIOT platform, nền tảng du lịch thông minh Smart travel, giải pháp văn phòng thông minh Smart Sales, nền tảng họp trực tuyến Meet, nền tảng học trực tuyến mở Moocs, giải pháp hợp đồng điện tử MobiFone eContract.

"Công nghệ của chúng tôi có thể giúp cho nhiều nhà máy đang và sẽ được xây dựng ở Việt Nam có thể dự đoán những rủi ro, sự cố, giúp nâng cao hiệu xuất, hiệu quả của việc sản xuất của họ. Về mặt an ninh, chúng tôi có thể cung cấp hệ thống kiểm soát ra vào không cần cổng một cách chính xác nhất cho họ, mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát đám đông. Điểm mạnh chính là ở việc nhận dạng đám đông và có 70 bằng sáng chế cho hơn 300 ứng dụng công nghệ AI. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào việc mở rộng thị trường ở Việt Nam, một thị trường mới có tiềm năng. Tuy nhiên cũng sẽ có những khó khăn, bởi vì AI là một lĩnh vực mang tính xu thế mới, cũng vì vậy chúng tôi đã và đang gặp thách thức và cạnh tranh từ cách doanh nghiệp start up", Ivy Li nói.

Mị Dung