Tiến trình sản xuất bộ xử lý mới nhất của Intel được thực hiện tại nhà máy ở Việt Nam

21:25 20/11/2022

Dưới góc nhìn tổng thể, Intel đánh giá Việt Nam gây ấn tượng với vai trò là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thu hút được dòng vốn ngoại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Intel chính thức ra mắt tại Việt Nam dòng vi xử lý dành cho máy bàn Intel Core thế hệ 13, với 22 vi xử lý từ phân khúc phổ thông cho đến cao cấp. Intel tin rằng, dòng vi xử lý mới này có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng cuối. Đáng nói, sản phẩm đầu bảng Intel Core i9-13900K với 24 nhân, 32 luồng, tốc độ xung nhịp lên đến 5.8 GHz đảm bảo mang đến trải nghiệm chơi game và sáng tạo nội dung.

Theo Intel, nhờ được xây dựng trên quy trình Intel 7 và kiến trúc x86 hybrid, các vi xử lý máy bàn này có hiệu năng đơn nhân tăng đến 15% và hiệu năng đa nhân tăng đến 41% so với thế hệ trước. Kiến trúc hybrid của Intel là tổ hợp của những nhân hiệu năng cao (P-core) và nhân tiết kiệm điện năng (E-core) với số lượng tăng gấp đôi so với thế hệ trước.

Một cải tiến quan trọng khác của vi xử lý Intel Core thế hệ 13 đó là khả năng ép xung. Intel đã cập nhật tính năng ép xung dễ dàng chỉ với một nút bấm Intel Speed Optimizer, hỗ trợ các vi xử lý thế hệ 13 để người dùng có thể ép xung đơn giản.

Bà Alexis Crowell, Tổng Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand, cho hay, một số công đoạn trong tiến trình sản xuất Intel Core 13 được thực hiện tại nhà máy của hãng tại Việt Nam.

Phía Intel không chia sẻ chi tiết khâu nào được thực hiện ở nhà máy này, song thông thường các công đoạn lắp ráp và thử nghiệm sản phẩm sẽ được thực hiện tại đây.

tiến trình sản xuất Intel Core 13 được thực hiện tại nhà máy của hãng tại Việt Nam.
Bà Alexis Crowell, Tổng Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand.

Nhà máy sản xuất lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam của Intel (Intel Products Việt Nam - IPV) đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng. Intel đã đầu tư gần 2 tỷ USD cho nhà máy xây dựng tại TP.HCM, nằm trong khu công nghệ cao vốn là địa chỉ hoạt động của nhiều hãng lớn như Samsung, Microsoft, Schneider Electric,...

Intel xuất phát điểm là sản xuất chip, thống kê Công ty đã vận chuyển 3 tỷ sản phẩm đi qua Việt Nam (trong chuỗi dây chuyền toàn cầu); và hiện chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của Intel.

Công ty cũng vừa rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam cuối năm qua, nâng tổng mức đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD. Con số rót mới là phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số và nằm trong tổng mức 80 tỷ USD đầu tư của Intel trên toàn thế giới.

Dưới góc nhìn tổng thể, Intel đánh giá, Việt Nam gây ấn tượng với vai trò là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thu hút được dòng vốn ngoại – đây chính là cơ sở thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên nhất.

Minh Hà (t/h)