NHNN cảnh báo tội phạm thuê, mua tài khoản để lừa đảo, đi vay

23:33 14/05/2023

Việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo. Nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nghiêm cấm chiếm đoạt trái phép tài khoản. Nhưng việc cho thuê, cho mượn tài khoản lại không được quy định, nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, NHNN tiếp nhận nhiều văn bản của cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra về các vụ án có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng. Điều này cho thấy, thực trạng ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Họ nghĩ rằng việc cho thuê, cho mượn tài khoản sẽ không có vấn đề gì.

“Thực tế chỉ bị xử phạt về mặt hành chính thì số tiền họ bị xử phạt cũng lớn hơn rất nhiều so với con số 300.000 – 500.000 đồng họ nhận được từ việc cho thuê tài khoản”, ông Tuấn nói.

NHNN cảnh báo tội phạm thuê, mua tài khoản để lừa đảo, đi vay
NHNN cảnh báo tội phạm thuê, mua tài khoản để lừa đảo, đi vay.

Việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo, người cho thuê, cho mượn tài khoản không mất tiền. Nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, việc ngân hàng có thể tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và thực hiện xác thực điện tử thì sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa đảo, trong đó có những trường hợp như trên.

Khi được liên thông, ngân hàng sẽ có được dữ liệu về khuôn mặt khách hàng, việc lợi dụng chiếm đoạt các dữ liệu để thực hiện các hành vi gian lận tại quầy hoặc trên môi trường mạng sẽ giảm, người dân sẽ yên tâm hơn. Nhất là với CCCD gắn chip, mọi dữ liệu của người dân được tích hợp trên con chip nên ngân hàng sẽ không còn bị các đối tượng qua mặt.

“Nếu các ngân hàng có những hạn mức nhất định để kiểm soát việc rút tiền từ tài khoản thì khách hàng dứt khoát phải được xác thực bằng sinh trắc học. Không có tổ chức tội phạm nào mang được khuôn mặt của người khác vào để thực hiện giao dịch rút tiền. Như vậy, chúng ta sẽ bảo vệ được khách hàng, gia tăng mức độ an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường số”, ông Tuấn bày tỏ.

Tại quầy giao dịch, trong năm 2023, ngành ngân hàng cũng sẽ có một loạt thay đổi để đảm bảo nhận diện, định danh chính xác người dùng khi đến giao dịch với ngân hàng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong công tác quản lý ngăn ngừa tội phạm. “Không thể vô trách nhiệm, chỉ việc mở (tài khoản), thu lợi, phát triển mạng lưới để rồi tất cả những hậu quả rủi ro, những vấn đề liên quan đổ về cho các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật”, ông nói.

Theo cảnh báo của các ngân hàng, để không bị sập bẫy bất kỳ thủ đoạn nào của kẻ gian, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động cảnh giác của mỗi người dân. Nhằm bảo vệ tài khoản khách hàng, VPBank vừa khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo hiện nay.

Theo đó, có ba xu hướng lừa đảo chính là giả mạo tin nhắn, giả mạo email hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng. Đối với chiêu giả mạo tin nhắn thương hiệu, kẻ gian tạo tin nhắn giả mạo thông báo các nội dung như trừ tiền hoặc các khoản nợ, dịch vụ mà chủ tài khoản không đăng ký; thông báo tài khoản bị khóa hoặc đăng nhập trên thiết bị lạ hoặc gửi tin nhắn yêu cầu chủ tài khoản bấm vào đường link giả mạo trong tin nhắn để hủy, thanh toán dịch vụ, xác thực. Nếu click vào link giả mạo và nhập thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã OTP... người dân sẽ mất quyền kiểm soát tài khoản và bị kẻ gian lấy mất tiền.

PV (t/h)