Nghệ An: Đoàn công tác của tỉnh về tận cơ sở để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

11:50 29/04/2021

DNHN - Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An giao, Đoàn công tác của tỉnh do ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công thương dẫn đầu đã về tận cơ sở sản xuất, để lắng nghe và tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Theo đó, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đã đến tại Nhà máy may TAAD Nghệ An ở  xã Thanh Khê (huyện Thanh Chương) để kiểm tra thực tế và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Làm việc với Đoàn công tác, doanh nghiệp này đã nêu lên khó khăn trong công tác vận chuyển, do vướng đường điện dân sinh.

Tiếp đến, lãnh đạo Công ty CP ABC Nghệ An cho biết: Nhu cầu lao động của Nhà máy may Venture là 1.500 người. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mới tuyển được 600 lao động, nên 01 xưởng của Nhà máy đang phải dừng hoạt động do không tuyển được công nhân. Hiện nay, lương của người lao động được Công ty trả theo tài khoản ngân hàng (thẻ ATM). Theo đó, nhu cầu rút tiền từ ATM của người lao động rất cao, nhưng trên địa bàn chưa có cây ATM để phục vụ. Vì thế, đề nghị đầu tư lắp đặt cây ATM để phục vụ nhu cầu của người lao động cũng như người dân trên địa bàn. Ngoài ra, tuyến đường từ Cầu Gạo đến nhà máy hiện hư hỏng nặng, gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. 

  Lãnh đạo Nhà máy may TAAD Nghệ An làm việc với Đoàn công tác 

Trước những kiến nghị của các Nhà máy may ở huyện Thanh Chương liên quan đến đường điện, đường giao thông,.. Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hoá- Trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo: Những nội dung mà các doanh nghiệp kiến nghị nêu trên thuộc thẩm quyền của huyện, nên đề nghị huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý. Bên cạnh đó, một số nội dung khác của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết của huyện, Đoàn công tác sẽ tổng hợp để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Rời huyện Thanh chương, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đã đến kiểm tra tại CCN Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn). Tại đây, Đoàn công tác đã lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp về khó khăn do nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt không đủ, chủ yếu là nước giếng khoan. Được biết, trước khó khăn về nguồn nước của các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Long, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép UBND huyện Nghĩa Đàn xây dựng đập nước với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh bố trí 06 tỷ đồng, số kinh phí còn lại huy động từ nguồn khác, nhưng ngân sách huyện không đủ để cân đối do nguồn thu từ các doanh nghiệp hoạt động trong CCN Nghĩa Long đều phải nộp về ngân sách tỉnh. Do vậy, việc xây dựng đập chứa nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Long vẫn chưa triển khai được. CCN Nghĩa Long có diện tích 37ha, hiện có 6 nhà máy đã hoạt động, giải quyết việc làm cho 500 lao động, hàng năm đóng góp ngân sách 10 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác hoạt động tại CCN huyện Nghĩa Đàn khi làm việc với Đoàn công tác cũng phản ánh lâu nay nguồn điện chưa ổn định, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để sớm đưa dự án vào hoạt động, UBND huyện Nghĩa Đàn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cân đối đủ nguồn kinh phí 04 tỷ đồng còn lại từ ngân sách tỉnh năm 2021, hoặc cho phép huy động các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Long đóng góp trước và khấu trừ vào nguồn thu thuế của năm 2021. Ngoài ra, hiện tại còn 600m đường giao thông nội bộ trong CCN vẫn chưa có kinh phí để đầu tư hoàn thiện, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Nguồn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN đã bố trí hết định mức. Đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế bố trí vốn ngoài định mức từ nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng CCN năm 2021 đối với các CCN hoạt động hiệu quả như CCN Nghĩa Long, để UNBD huyện sớm hoàn thành tuyến đường nêu trên. 

  Lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Đàn đang kiến nghị với Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn 

Đối với các kiến nghị của các doanh nghiệp và UBND huyện Nghĩa Đàn, Trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An  giao Sở KH&ĐT và Sở Tài chính xem xét, tham mưu, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về đường dây trung thế cấp điện cho CCN Nghĩa Long, Đoàn công tác sẽ đề xuất Sở Công Thương chủ trì phối hợp với ngành Điện xem xét giải quyết.

Nêu ý kiến với Đoàn công tác, ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) cho hay: Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn đối với các tuyến đường sau: Tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi từ mỏ về trạm đập đá vôi thuộc xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai; đường vận chuyển nguyên liệu đất sét từ mỏ sét về nhà máy thuộc xã Tân Thắng; đường từ KCN Hoàng Mai II vào Nhà máy Xi măng Tân Thắng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong công tác GPMB mỏ đất sét, mỏ đá vôi, bố trí đất để xây khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy...

Trước ý kiến của lãnh đạo Công ty xi măng Tân Thắng, sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi từ phía các sở, ngành, chính quyền địa phương, Trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An kết luận: Đối với một số khó khăn cụ thể liên quan đến công tác GPMB thi công các tuyến đường, mỏ đá vôi, mỏ đất sét, đoàn đề nghị chính quyền TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu tiếp tục tuyên truyền, kiên quyết xử lý dứt điểm công tác bồi thường, chi trả,… hoàn thành trong tháng 6/2021. Đề nghị các sở, ngành liên quan nắm bắt, hướng dẫn chính quyền địa phương, doanh nghiệp xử lý các vướng mắc. Với những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna (KCN Nam Cấm), lãnh đạo doanh nghiệp này đã trao đổi với Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An rằng, Nhà máy hiện có công suất 300 tấn/ngày, sử dụng 500 lao động. Với mục tiêu hướng tới là doanh nghiệp sản xuất cá ngừ lớn nhất Việt Nam, Công ty đang có kế hoạch nâng cấp dây chuyền, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang có một số khó khăn: Cảng Cửa Lò chưa khai thác được tàu cá lớn 2.000 - 4.000 tấn, nên có nhiều bất cập như cơ sở vật chất, công nhân bốc xếp... và mong muốn các thủ tục được giải quyết nhanh để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Để mở rộng quy mô, Nhà máy cần 2.000 lao động, nhưng hiện không đủ đáp ứng, mong có trung tâm hỗ trợ việc làm để làm cầu nối doanh nghiệp và người lao động tiếp cận dễ dàng hơn. Ngoài ra, nghiên cứu hỗ trợ cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi hạn ngạch quota, miễn thuế nhập cá làm nguyên liệu sản xuất… 

  Ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc công ty xi măng Tân Thắng đang nêu những khó khăn, vướng mắc của đơn vị với Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An

Những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna, Trưởng đoàn công tác khẳng định: Đoàn tiếp thu toàn bộ kiến nghị của doanh nghiệp để tổng hợp và  báo cáo UBND tỉnh. Những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh thì sẽ xử lý dứt điểm, còn những kiến nghị vượt thẩm quyền, đoàn sẽ báo cáo lên cấp trên giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về các thủ tục liên quan đến cảng Cửa Lò, đoàn sẽ có cuộc làm việc với tỉnh. Vấn đề khó khăn trong tuyển dụng lao động, đoàn công tác cho rằng, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nên doanh nghiệp cần đổi mới cách thức tiếp cận, chủ động gắn kết với chính quyền địa phương, cách tổ chức tuyển dụng. Việc tuyển dụng cần có thông tin rõ ràng, chế độ lương thưởng đầy đủ và cách thức đào tạo lao động cũng cần thay đổi sao cho phù hợp…

Theo Kế hoạch UBND tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác của tỉnh về làm việc với  các doanh nghiệp trên địa bàn với thông điệp “Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Văn Cương – Hoàng Lan