Ngành đồ uống có cồn lao đao vì thị phần sụt giảm, doanh nghiêp chuyển hướng sản xuất

09:58 22/11/2023

Năm 2023, ngành rượu bia gặp nhiều khó khăn khi doanh số và thị phần giảm sút do nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt. Nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách chuyển đổi sản phẩm, giảm giá và tăng khuyến mãi.

Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 964 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 52 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 38 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành rượu bia gặp nhiều khó khăn khi doanh số và thị phần giảm sút do nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt
Năm 2023, ngành rượu bia gặp nhiều khó khăn khi doanh số và thị phần giảm sút do nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN). Báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp này cho biết, lãi 9 tháng đầu năm chỉ đạt 291 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần kỳ này Habeco đạt 5.510 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Habeco, nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm doanh số là do tăng giá nguyên vật liệu. Nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ hai thị trường cũng cho biết, cạnh tranh rất “gắt” trong khi xu hướng tiêu dùng trong dân giảm.

Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ rượu bia như xu hướng hạn chế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, các quy định thắt chặt quản lý của nhà nước và đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế, việc làm.

Để tồn tại trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp rượu bia đã phải tìm đủ mọi cách để thu hút người tiêu dùng như: sản xuất bia không cồn, giảm giá bán, tăng khuyến mãi…

Theo Sabeco, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với năm ngoái do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn, một phần trong đó là do cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ bia yếu được hãng lý giải là do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu không thiết yếu; sức cầu yếu khiến các nhà sản xuất phải tăng cường các chính sách quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu để thúc đẩy thị phần, bảo vệ thị phần.

Còn với Habeco, nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do sản lượng giảm. Sản lượng sản xuất bằng 79%, còn sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 74,09% so với cùng kỳ. Trong khi giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh (giá malt, gạo, đường), ảnh hưởng giá thành, từ đó kéo lợi nhuận doanh nghiệp giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia đã có một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp rượu bia đã có những bước chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Ví dụ như Heineken với sản phẩm bia 0.0% độ cồn hay thương hiệu Chill (Công ty Cổ phần Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai với độ cồn trong khoảng 4.5%…

Quang Duy -  Vân Nguyễn