Hải Phòng: Thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

14:23 19/06/2023

Vừa qua, UBND TP Hải Phòng ban hành Văn bản 1397/UBND-KSTTHC giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Văn phòng UBND thành phố chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC.

Chủ trì, theo dõi, tổng hợp, đề xuất và báo cáo Chủ tịch UBND thành phố kết quả thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng, trong đó tăng cưởng kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND thành phố theo quy định.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa công tác thẩm định quy định TTHC tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chỉ ban hành TTHC đã được đánh giá tác động và thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả.

Đối với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC nội bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý.

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, các Bộ đã cắt giảm và đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia…Theo đó, đến tháng 5/2023, tổng số TTHC của cả nước là 6.422, giảm 376 TTHC so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, qua thông tin từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; các TTHC nội bộ chưa được quan tâm, rà soát cắt giảm, việc giải quyết TTHC còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai minh bạch TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện TTHC tại một số nơi còn chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực…làm tăng chí phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý.

Nam Trí Đức