Ngày 10/4/2023 vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch Công ty TNHH TM DV Tân Hiệp Phát cùng hai người con của ông Thanh là bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích khi được cho là có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần tại một số doanh nghiệp, khu đất và dự án tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Sự việc này đã xảy ra từ nhiều năm trước đây và cơ quan điều tra cũng đã từng khởi tố vụ án, chúng khởi nguồn từ các mối quan hệ vay mượn, cho vay tiền mang yếu tố giao dịch dân sự giả cách.
Vụ việc đã gây xôn xao lớn trong dư luận cả nước, nhằm góp phần tìm hiểu đâu là lằn ranh đỏ giữa những giao dịch dân sự giả cách và các chế tài hình sự, phóng viên doanhnghiephoinhap.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn Tùng- Luật sư điều hành của Công ty Luật Legal United Law và là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Sài Gòn {SCOA} về các khía cạnh có liên quan.
Thưa Luật sư, được biết ông tham gia hành luật lâu năm và đồng tham gia nhiều vào các công tác xét xử, theo ông vì sao các giao dịch giả cách lại luôn tồn tại?
Giao dịch giả cách theo thuật ngữ trong Bộ luật Dân sự năm 2015, ấy là những giao dịch dân sự được xác lập do giả tạo, nghĩa là khi các bên xác lập giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác. Khái niệm giao dịch ở đây, xét về số lượng, không hẳn chúng chỉ có một giao dịch hay một số giao dịch mà chúng ta cần hiểu là chúng có thể gồm nhiều các giao dịch khác nhau, đan xen lẫn nhau trong và quanh yếu tố bị giả tạo này.
Sự tồn tại của những giao dịch dạng này, chúng đến từ nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn được hình thành từ ý chí chủ quan của các bên hoặc một trong các bên với các động cơ, lý do, mục đích rõ ràng vào thời điểm xác lập giao dịch. Ngoại trừ trường hợp một bên cố tình che giấu mục đích thực sự của giao dịch để không cho các chủ thể khác biết hoặc việc một bên cố gắng đạt được điều khoản ràng buộc bất lợi cho chủ thể khác hay có lợi hơn cho bên mình trong giao dịch thực sự thì với các trường hợp khác như trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước hay cho vay ngoại hệ thống tín dụng (với mức lãi xuất cao mà không được pháp luật thừa nhận) theo kiểu “tín dụng đen” cũng tồn tại khá phổ biến và thường xuyên xảy ra.
Với những giao dịch giả tạo, chúng gây ra các rũi ro gì thưa ông?
Theo quy định của pháp luật dân sự thì những giao dịch được xác định là giả tạo sẽ vô hiệu, đấy là xét dưới khía cạnh quan hệ dân sự đơn thuần.
Tuy nhiên, với những giao dịch giả tạo có yếu tố hay tình tiết phức tạp lẫn các hành vi đã thực tế gây ra hậu quả, chúng rất dễ dẫn đến việc người phạm tội vô tình cấu thành đủ các yếu tố phạm tội theo Bộ luật Hình sự năm 2015 mà không hoàn toàn ý thức được hết các hành vi do mình gây ra dưới lăng kính pháp luật hình sự. Lằn ranh đỏ giữa pháp luật dân sự và hình sự trong các giao dịch giả tạo là khá mong manh, ví như việc khai man giá trị giao dịch dẫn đến tội trốn thuế (Điều 200) hay các tội danh sau đây rất dễ bị vướng phải như là hệ quả của việc xử lý các giao dịch giả tạo trước đó không đúng cách và tuân thủ đúng quy định của pháp luật: Tội cho vay lãi nặng (Điều 201); Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 204); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177) …
Với câu chuyện khởi tố ông Trần Quý Thanh và những người liên quan, trong ấy có yếu tố về cho vay nặng lãi theo các đơn thư tố cáo, vậy mức lãi xuất bao nhiêu thì bị coi là cho vay nặng lãi và bị chế tài hình sự, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi ngoài hệ thống ngân hàng được hiểu là cho vay ở mức lãi suất cao hơn mức lãi suất giới hạn tối đa là 20% đã được pháp luật quy định. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác mà không phải là tiền thì sẽ quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có xác định “người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” (tức là ở mức lãi suất trên 100%/ năm hay trên 8.33%/ tháng) kèm với một trong các dấu hiệu như thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, với các giao dịch cho vay có lãi suất từ trên mức 20%/năm đến dưới 100%/năm sẽ được xem là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp nhưng chưa đến mức bị xử lý về mặt hình sự, những giao dịch trong khung này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong chế tài hình sự, vậy những khoản thu mà bên cho vay thu được bất chính từ các giao dịch giả tạo sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có xác định xác định hành vi thu lợi bất chính, đấy là việc bên cho vay thu về số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Và cũng theo Nghị quyết này thì những khoản tiền đã thu từ người vay mà được xác định là thu lợi bất chính sẽ được dùng trả lại cho người vay, số còn lại ví như: tiền cho vay, tiền lãi thu được tương ứng ở mức lãi xuất cao nhất hay tài sản khác do người phạm tội dùng để cho vay hay tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi, các khoản thu bất hợp pháp khác được xác định là những công cụ, phương tiện và những khoản thụ hưởng trái luật nên về nguyên tắc chúng đều bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Ngoài ra, nếu người đi vay tiền mà dùng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tiền vay sai mục đích nhằm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... thì khoản tiền đã vay này cũng được xác định là tiền thu lợi hay có được một cách bất chính nên cũng sẽ bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Trong thực tế, ngoại trừ việc cố tình của bên cho vay nhằm thu lãi suất cao, có trường hợp bên đi vay thông qua các giao dịch giả tạo, có các hành vi như sử dụng tiền, vốn vay vào mục đích bất hợp pháp, không đúng mục đích dẫn đến mất, không có khả năng thanh toán lại cho bên cho vay? Pháp luật hình sự có chế tài nào đối với bên đi vay cho hành vi này không, thưa ông?
Trường hợp này, tôi xin trích dẫn hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 V/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thay cho câu trả lời của cá nhân “Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015”, nghĩa là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông nhận định như thế nào về hành vi được cho là có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố bị can với ông Trần Quý Thanh và những người liên quan thông qua việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần được cho là giả tạo mà bản chất thực là cho vay tiền?
Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận định với các giao dịch dạng như Quý báo vừa nêu trong hoạt động cho vay tiền, bên cho vay muốn an toàn và để đảm bảo việc thu lại được tiền cho vay nên thường yêu cầu việc sở hữu dự án lẫn sở hữu cổ phần trong công ty dự án nên mới xảy ra việc bản chất nội dung là cho vay nhưng hình thức thể hiện là chuyển nhượn dự án và cổ phần.
Cũng có lẽ do đến cuối kỳ hạn trả gốc, lãi mà bên vay không trả được cho bên cho vay để bên cho vay bán lại tài sản theo kiểu giao dịch Repo {là giao dịch trong đó bên bán và chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu chính tài sản đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định) nên bên cho vay không bán lại tài sản cho bên vay và lại muốn chiếm đoạt luôn tài sản để trừ vào khoản tiền đã cho vay.
Và theo thói thường, nhằm xóa và không để lại bằng chứng về những giao dịch giả tạo có thể bị tòa án tuyên vô hiệu khi có tranh chấp xảy ra nên có thể bên cho vay đã phủ nhận toàn bộ việc cho vay và cho rằng các giao dịch chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần trước đó giữa các bên là giao dịch thật nên đã chiếm giữ và xác lập quyền sở hữu với chúng.
Tuy nhiên, theo Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) đã có quy định của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đó là tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Hành vi “cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi này làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình trên thực tế và tạo cho chủ thể là bên cho vay chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó như tài sản của mình.
Cũng là nhận định chủ quan, tôi cho rằng bị can hiện thời là ông Trần Quý Thanh và những người liên quan, nếu như trước đây thực hiện việc trả lại tài sản tài sản cho người đi vay và biết cách xử lý các giao dịch giả tạo đúng cách thì không có sự việc đáng tiếc là khởi tố bị can như những gì đang phải đối diện.
Thưa ông, như trên ông có nói đến việc “xử lý giao dịch giả tạo đúng cách”, vậy làm sao để xử lý đúng cách?
Giao dịch giả tạo thực tế chúng có rất nhiều loại, dạng, hình thức, tên gọi khác nhau và tùy vào mỗi loại giao dịch bị giả tạo mà các luật sư hay những chuyên gia pháp lý am tường họ sẽ biết cách sửa lại như thế nào cho đúng, nghĩa là sửa lại từ giao dịch giả tạo có khả năng bị vô hiệu thành giao dịch có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật dân sự dành cho chính giao dịch đã bị giả tạo đó.
Khi xử lý giao dịch giả tạo, điều đầu tiên là cần phải phân biệt được đâu, nội dung nào là giả tạo và đâu là giao dịch thực giữa các bên bị che dấu bởi giao dịch giả tạo. Tuy nhiên, có những nguyên lý chung thường được áp dụng trong xử lý như: thiện chí, cởi mở, tháo bỏ tâm lý nghi ngại hay “gài nhau” trước đó nhằm cùng thương thảo lại và thực hiện đúng bản chất, nội dung của giao dịch, những gì là giả tạo thì thống nhất cắt bỏ và tuyệt đối không lợi dụng việc đã xác lập giao dịch giả tạo nhằm trục lợi, chiếm đoạt, cưỡng đoạt, sử dụng tài sản của người khác trái phép.
Xin cám ơn ông!
P.V (thực hiện)
“Xanh” hơn cùng tín chỉ carbon
Cần thiết lập cơ chế liên thông, liên kết giữa các nền tảng số
Dùng AI để thu hút khách hàng trên mạng xã hội
Thử nghiệm mô hình "sandbox" để đa dạng hóa thị trường chứng khoán Việt Nam
Doanh nghiệp cần tăng khả năng thích ứng để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi cước vận tải biển tăng cao