Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

13:58 23/11/2023

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có công văn đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN. Qua đó, cơ quan này đề nghị xem xét “mở rộng hơn” đối tượng vay tin dụng 120.000 tỷ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mở rộng đối tượng cho vay

Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” một số đối  tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”:

HoREA cho rằng, để thực hiện Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”, Hiệp hội đề xuất các giải pháp như sau:

Thứ nhất, tương tự như đề xuất trên đây, Hiệp hội đề nghị giải pháp đầu tiên để “các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ” lại cũng là giải pháp “phi tín dụng” phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để triển khai thực hiện dự án, để tăng nguồn cung dự án và tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở có đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được giải pháp “phi tín dụng”, tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án bất động sản, trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì phải phát huy hơn nữa “vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Mục 2 Công điện 993/CĐ-TTg.

Thứ hai, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.

Thứ ba, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng lại gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Ảnh minh họa
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM.

Tạo điều kiện huy động ngắn hạn

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN) theo hướng gia hạn thêm 12 tháng đến hết ngày 31/10/2024, để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động ngắn hạn và bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Ông Châu cũng cho rằng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao kết quả đạt được trong nhiều năm qua, nhất là 10 tháng đầu năm 2023 và triển vọng phát triển của nền kinh tế nước ta trong năm 2024, 2025 và dài hạn. Nhưng, việc nền kinh tế “hấp thụ yếu” nguồn vốn tín dụng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của năm 2024, thể hiện ở “chỉ số PMI ngành sản xuất” nước ta trong tháng 10/2023 chỉ đạt 49,6 điểm, giảm nhẹ so với 49,7 điểm của tháng 09/2023.

Ông Châu cho biết, dưới sự điều hành chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tín dụng đang có thanh khoản dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm (tính đến 27/10/2023) chỉ tăng 7,1% so với cuối năm 2022 là rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-14% của năm 2023 và còn có gần 1 triệu tỷ đồng tín dụng có thể bơm vào nên kinh tế trong 02 tháng cuối năm 2023, nên các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng “tồn kho tiền”.

Theo ông Châu, điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN đã quy định kể từ ngày 31/10/2023 thì các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn (Quy định này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/10/2023).

“Quy định này hiện nay chưa tác động thật rõ nét tại thời điểm này, do tăng trưởng tín dụng hiện nay đang rất thấp và “tồn kho tiền” còn rất lớn. Nhưng, có thể kể từ năm 2024 trở đi khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trở lại thì quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động ngắn hạn, nên cần xem xét cần giữ lại quy định mức trần được sử dụng tối đa không quá 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn trong 1 vài năm tới đây, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoàn thành lộ trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và có nhiều tổ chức tín dụng đạt chuẩn Basel 2, Basel 3”, ông Châu phân tích.

Nghệ Nhân