Còn 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà theo chương trình phục hồi KT-XH

11:12 24/10/2023

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư khoảng 2.838,4 tỷ đồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước vừa đệ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về việc thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, và thông tin trong báo cáo này cho thấy một số vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo báo cáo, dù đã bố trí nguồn kinh phí lớn, tỷ lệ sử dụng kinh phí thực tế chỉ đạt khoảng 56,9% nguồn lực dự kiến. Việc triển khai chính sách gặp nhiều khó khăn do việc tham mưu và ban hành văn bản chưa kịp thời và đầy đủ. Cụ thể, việc xác định đối tượng, mức hỗ trợ, phương thức chi trả và thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đều gây áp lực cho doanh nghiệp và địa phương.

Còn 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà theo chương trình phục hồi KT-XH
Còn 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà theo chương trình phục hồi KT-XH.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều địa phương chưa chú trọng đủ đến công tác thực hiện chính sách cho người lao động, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa số đề xuất kinh phí và số đề nghị quyết toán tại nhiều địa phương. Cụ thể, một số nơi chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người lao động như thực hiện công tác tuyên truyền chậm (tỉnh Bình Phước 24.5.2022; tỉnh Tuyên Quang 6.9.2022...). Nhiều tỉnh chậm xây dựng kế hoạch (Ninh Thuận, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế chậm 15 ngày; Đồng Tháp, Quảng Bình, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Quảng Ngãi chậm 30 ngày; riêng các tỉnh Hậu Giang, Bình Dương, TP Hải Phòng chậm 60 ngày.

Nhiều tỉnh chậm triển khai thực hiện chính sách (Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắc Nông, Kiên Giang, An Giang, Thái Bình, Bình Thuận, Hà Nam, Lạng Sơn, Phú Yên; Phú Thọ, Kon Tum, Hưng Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Hậu Giang...).

Tại Hà Nội, chỉ có 6/30 quận, huyện báo cáo chính thức bằng văn bản về dự trù đối tượng và nhu cầu kinh phí, các đơn vị còn lại không có báo cáo; công tác tổng hợp, xác định nhu cầu, đề xuất kinh phí thực hiện chính sách có sự chênh lệch lớn so với số đề xuất thực tế (đề xuất kinh phí là 400,34 tỷ đồng; số đề nghị quyết toán là 224,91 tỷ đồng, chênh lệch 175,43 tỷ đồng).

Việc xác nhận đối tượng lao động được hưởng chính sách còn chậm (theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, còn 10.474 lao động với số tiền hỗ trợ 13,38 tỷ đồng, dẫn đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không đề xuất Chính phủ giải quyết hỗ trợ do đã quá thời hạn (quá ngày 15.8.2022 theoQuyết định số 08/2022/QĐ-TTg)...

Từ kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư khoảng 2.838,4 tỷ đồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước nhằm phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ cần phối hợp với UBND cấp tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định rõ trách nhiệm và báo cáo Chính phủ có hướng giải quyết đối với các trường hợp người lao động đã đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ song chưa được hỗ trợ (các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa giải quyết, các trường hợp chưa hỗ trợ do các nguyên nhân khách quan...).

P.V (t/h)