Chuyển tiền từ 10 triệu đồng sẽ phải thực hiện xác thực sinh trắc học

14:48 22/12/2023

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các nhà băng lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Từ 1/7 năm sau, chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt, vân tay.

Yêu cầu này được đề cập tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, liên quan áp dụng giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Công nghệ sinh trắc học (Biometric) là cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói, hình ảnh khuôn mặt... Công nghệ sinh trắc học được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay.

Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Cùng với đó, ngân hàng cần gửi SMS hoặc email cho khách hàng (theo thông tin khách hàng đăng ký), thông báo về việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking hoặc đăng nhập trên thiết bị khác với thiết bị đăng nhập lần gần nhất.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các nhà băng lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Quyết định cũng nêu rõ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ phải triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như sau:

- Thông báo giao dịch qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.

- Thiết lập hạn mức giao dịch trong ngày.

- Thiết lập tính năng cho phép/ không cho phép thanh toán trực tuyến.

- Thiết lập hạn mức thanh toán thẻ trực tuyến trong ngày.

- Thiết lập tính năng cho phép/ không cho phép thanh toán ở nước ngoài (ngoại trừ các giao dịch trực tuyến).

- Triển khai giải pháp xác thực 3D Secure (hoặc tương đương) cho việc thanh toán trực tuyến với thẻ quốc tế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 và thay thế Quyết định số 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian áp dụng các quy định tại Quyết định này kể từ ngày 01/01/2025.

Hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đã chủ động áp dụng việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trên ứng dụng, bao gồm từ khâu mở tài khoản hay đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng qua số điện thoại đã đăng ký. Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán gần đây cũng cho biết, kế hoạch dự kiến bắt buộc các ngân hàng phải áp dụng cả sinh trắc học khi khách hàng chuyển khoản mobile banking vượt hạn mức.

Thông tin này được đưa ra trong tình hình thực tế hiện nay, lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh, tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng cũng như các tổ chức tài chính.

Theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao với 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận. Tính riêng trong năm 2021, các nạn nhân của các hình thức lừa đảo qua mạng đã chịu thiệt hại lên đến 374 triệu USD, tương đương 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo.

Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng hoạt động có tổ chức. Hàng loạt chiêu thức lừa đảo mới liên tiếp xuất hiện trong nhiều năm qua đã khiến nhiều người bị mắc bẫy. 

Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và khách hàng.

Phương Anh (T/h)