Chuyển gần 25.000 ha đất lúa sang trồng cây có giá trị cao tại tỉnh Kiên Giang

09:07 16/12/2020

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, luân canh, liên kết chuỗi giá trị, tăng thu nhập.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất trồng lúa lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích gieo trồng và thu hoạch lúa năm 2019 đạt trên 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch đạt 4,28 triệu tấn. Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn, mặn xâm nhập nhưng sản lượng ước đạt khoảng 4,4 triệu tấn. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng từng năm, năm 2019 đạt trên 520 ngàn ha và dự kiến năm 2000 đạt trên 600 ngàn ha, chiếm hơn 80% diện tích gieo trồng.

Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang vẫn xác định lúa là cây trồng chủ lực nhưng giảm dần và giữ ổn định diện tích gieo trồng hàng năm, không chạy theo sản lượng mà tập trung tăng chất lượng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích hơn 24.865 ha, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, sẽ chuyển đổi sang cây hàng năm 10.492 ha, cây lâu năm 3.420 ha và kết hợp nuôi thủy sản 72.713 ha theo mô hình tôm – lúa, lúa – cá nước ngọt… 

Kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Quyết định số 82/QĐ-UBND
Kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Quyết định số 82/QĐ-UBND.

Cụ thể, tỉnh chuyển đổi 19.514 ha lúa 2 vụ/năm vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên sang mô hình sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm; chuyển đổi hơn 3.688 ha đất lúa 2 - 3 vụ/năm sang phát triển mô hình lúa - màu, chuyên rau màu ở huyện Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng; chuyển đổi 1.684 ha khu vực trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hồ tiêu, khóm (dứa), chuối… ở Giang Thành, Hòn Đất, Rạch Giá, Châu Thành, U Minh Thượng.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên đã mang lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất.

Trần Hà