![]() |
Chủ tịch Fed Jerome Powell: Không cần vội vàng cắt giảm lãi suất. |
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bắt đầu hai ngày điều trần tại Quốc hội vào thứ Ba (11/2), trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đạt được mức việc làm gần như toàn dụng, lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm, và sự bất ổn gia tăng về việc những yếu tố này sẽ chịu tác động từ các chính sách thương mại và chính sách khác mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang triển khai.
Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed luôn thận trọng, tránh đưa ra nhận định về tính đúng đắn của các hành động từ hành pháp hay lập pháp, thay vào đó là tập trung vào cách nền kinh tế thay đổi do những chính sách này. Nhưng với tình hình hiện tại của nền kinh tế Mỹ và quy mô những gì Tổng thống Donald Trump dường như đang nhắm đến, ưu tiên của Fed hiện nay là hành động chậm rãi và hy vọng không có gì đổ vỡ.
Ông Powell phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed vào tháng 1: "Chúng ta hiện có một thị trường lao động tốt. Nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức 2 đến 2,5%. Lạm phát đã giảm".
Tuy nhiên, "có lẽ có một số bất ổn gia tăng" do những thay đổi về chính sách thương mại, nhập cư, tài khóa và quy định, chủ tịch Powell cho biết, và các quan chức Fed sẵn sàng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất thêm cho đến khi rõ ràng về cách nền kinh tế thích ứng trong những tháng tới. Ông Jerome Powell nhấn mạnh: "Chúng ta không cần vội vàng điều chỉnh lập trường chính sách".
Theo đó, chủ tịch Fed sẽ mang thông điệp này đến Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong phiên điều trần bắt đầu lúc 10 giờ sáng theo giờ miền đông Hoa Kỳ (22h00 giờ Hà Nội) và ngày hôm sau đến Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào lúc 10 giờ sáng (22h00 giờ Hà Nội) thứ Tư (12/2).
Cả hai ủy ban hiện đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa với các chủ tịch mới. Mặc dù ông Powell đã ưu tiên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Quốc hội trong gần bảy năm làm Chủ tịch Fed, các Thượng nghị sĩ và Dân biểu từ cả hai đảng sẽ có nhiều câu hỏi dành cho ông.
Lạm phát tại Mỹ đã giảm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm; nhưng một số khảo sát gần đây cho thấy công chúng có thể đang trở nên hoài nghi, một vấn đề đặc biệt đối với Fed nếu điều này tiếp diễn. Khả năng áp thuế cao đối với các đối tác thương mại gần gũi như Mexico và Canada, cũng như các sản phẩm công nghiệp cốt lõi như thép và nhôm, đã kích hoạt cuộc tranh luận về việc liệu các loại thuế nhập khẩu này có gây ra lạm phát tổng thể hay không.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện chưa công bố một kế hoạch chi tiết về thuế, chi tiêu và bãi bỏ quy định, nhưng các cuộc đàm phán sắp tới về những vấn đề này có thể có ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, Fed đang đối mặt với sự thay đổi nhân sự ở một trong những vị trí chủ chốt khi Phó Chủ tịch phụ trách giám sát và quy định ngân hàng Michael Barr từ chức, và việc Tổng thống Trump sẽ bổ nhiệm người thay thế, với khả năng xảy ra những thay đổi lớn trong giám sát lĩnh vực tài chính.
Hiện tại, các nhà đầu tư đã đọc các dữ liệu gần đây, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 4% và tốc độ gia tăng tiền lương mạnh mẽ, như một lập luận ủng hộ cho việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm nay. Thị trường vẫn kỳ vọng một mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương vào tháng 6, nhưng đã bắt đầu loại bỏ khả năng về các động thái khác trong năm 2025.
Ngoài ra, tại cuộc họp tháng 1, Fed đã giữ nguyên chính sách lãi suất trong khoảng 4,25% đến 4,5% sau khi cắt giảm tổng cộng một điểm phần trăm trong ba cuộc họp cuối năm 2024.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng Chủ tịch Jerome Powell sẽ phần lớn lặp lại thông điệp từ cuộc họp FOMC tháng 1 rằng với một nền kinh tế mạnh, thị trường lao động vững chắc và tiến triển không đồng đều về lạm phát, Fed không cần vội vàng. Các thông báo về thuế quan gần đây cũng củng cố lập luận cho sự kiên nhẫn, khi bất ổn và rủi ro đối với lạm phát dường như đang gia tăng".