Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề xuất cơ chế hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số

17:17 06/06/2023

Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định, là cơ quan có trách nhiệm, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Trong phiên chất vấn chiều 6/6, về vấn đề nghiên cứu chính sách thu hút doanh nghiệp vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, các địa phương chưa phát huy hết nguồn lực địa phương. Số địa phương bố trí vốn đối ứng cho chương trình mục tiêu quốc gia thấp, việc đầu tư trên địa bàn cũng rất khó khăn. Lý do doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số phát sinh nhiều điều kiện, đảm bảo quyền lợi các bên. Cơ chế chính sách mỗi địa phương cũng khác nhau.

Bộ trưởng Hồ A Lềnh đề xuất cơ chế hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số
Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề xuất cơ chế hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề xuất: "Trên cơ sở pháp luật, chúng tôi mong muốn địa phương xây dựng cơ chế chính sách, đất đai, tín dụng, thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào các vùng này. Hiện nay hỗ trợ cho doanh nghiệp có rồi nhưng chưa đủ mạnh. Là cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới".

Đối với vấn đề khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, thiếu đất ở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Đây là vấn đề lớn và là nhu cầu thực tế. Trong quá trình xây dựng Mục tiêu Quốc gia, qua rà soát và số liệu của các địa phương cho thấy, nhu cầu đất ở là trên 24.000 hộ và đất sản xuất là trên 43.000 hộ.

Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng quyết định 1719 với chỉ tiêu năm 2025 giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân, tập trung vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất, chưa được hỗ trợ bất cứ chính sách nào. Giai đoạn 2026-2030 giải quyết 40% còn lại.

Phiên chất vấn của Quốc hội bàn về nhiều vấn đề
Phiên chất vấn của Quốc hội bàn về nhiều vấn đề "nóng" đang được cử tri cả nước quan tâm.

Về đất sản xuất, qua thống kê có nhiều địa phương có nguồn quỹ đất xây dựng mô hình dân cư tập trung. Tuy nhiên, nhiều địa phương không còn quỹ đất nên cần giải pháp thống nhất các bộ ngành. Đó là việc rà soát đất nông lâm trường để lấy đất cho đồng bào sản xuất, nhưng việc thực hiện còn chậm.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng thừa nhận, một bộ phận người đồng bào có tâm lý không muốn thoát nghèo, thoát hộ cận nghèo. Một trong những nguyên nhân là các hộ này dù theo tiêu chí đã thoát nghèo, nhưng thực tế cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, chưa đủ tiếp cận chất lượng sống cơ bản. Do đó họ e ngại nếu ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo sẽ không còn được hưởng các chính sách. 

Về giải pháp để giải quyết thực trạng này, hiện tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đã được ban hành. Các địa phương khi rà soát, đánh giá phải khách quan, đảm bảo hộ dân khi ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo phải sống được với nhu cầu tối thiểu.

Mặt khác, cần có những hỗ trợ để người thoát nghèo yên tâm, không bị tái nghèo. "Thực tế ở các địa phương cũng có nhiều hộ xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo, đó là những tấm gương cần phải nêu ra để tuyên truyền cho người dân" - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Linh An