Bình Dương: Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

23:35 06/11/2021

Vừa qua, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tỉnh Bình Dương để khảo sát việc tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non.

Báo cáo về tình hình tổ chức dạy học và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, đầu năm học 2021-2022, Bình Dương có 728 trường học (392 trường công lập, 336 trường ngoài công lập), với tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông toàn tỉnh là 464.251 học sinh, tăng hơn 14.000 học sinh. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT chủ động xây dựng các phương án dạy và học ứng phó trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT chủ động xây dựng các phương án dạy và học ứng phó trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp. (Ảnh: minh họa) 

Các cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với hình thức đa dạng. Những địa phương cơ bản kiểm soát được dịch, đang từng bước xây dựng kế hoạch để dạy học trực tiếp. Các địa phương nguy cơ dịch bệnh cao thì dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và học qua truyền hình.​

Từ tháng 9/2021 đến nay, ngành đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến ở các cấp học, riêng đối với cấp mầm non, không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ nhưng chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quay video clip hướng dẫn cha, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại nhà và tạo các nhóm, lớp, trường thông qua các trang mạng xã hội để liên lạc thông tin với cha, mẹ trẻ trong thời gian trẻ ở nhà.

Đối với lớp 1, lớp 2, Sở GDĐT chỉ đạo dạy học trên truyền hình thông qua kênh của Đài Truyền hình Việt Nam và phát lại trên các nền tảng khác. Từ lớp 3 đến lớp 5, tổ chức dạy học trực tuyến không quá 03 tiết/ngày.

Đối với giáo dục trung học, công tác tổ chức dạy học trực tuyến được triển khai đồng bộ, thuận lợi do chủ trương dạy học trực tuyến được triển khai chuẩn bị từ sớm, dạy học trực tuyến không quá 04 tiết/buổi.

Riêng đối với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bình Dương đã thực hiện tốt công tác truyền thông, đổi mới phương pháp dạy học, chủ động thay đổi ngữ liệu dạy học phù hợp… qua đó, giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp và tạo được lòng tin từ phụ huynh và xã hội. Hiện nay, giáo viên đã nắm khá tốt nội dung, phương pháp dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được nâng lên, đồng thời có ý thức tự nghiên cứu, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng xu hướng đổi mới. Sự phối hợp giữa cha, mẹ học sinh và giáo viên trong công tác giáo dục không ngừng được tăng cường.

Công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non được tỉnh chú trọng thực hiện. Đến cuối năm học 2020-2021, toàn ngành GDĐT tỉnh Bình Dương có 15.107 giáo viên (14.282 giáo viên đã được tuyển dụng và 825 giáo viên hợp đồng); trong đó có 2.443 giáo viên cấp mầm non, 6.551 giáo viên cấp tiểu học, 4.531 giáo viên cấp trung học cơ sở và 1.582 giáo viên cấp trung học phổ thông. Theo định mức biên chế cho phép thì toàn ngành hiện thiếu 1.660 giáo viên, trong đó có 266 giáo viên mầm non, 433 giáo viên tiểu học, 831 giáo viên trung học cơ sở, 130 giáo viên trung học phổ thông. Ngoài việc thực hiện tuyển dụng, UBND tỉnh cho phép ngành GDĐT thực hiện hợp đồng giáo viên ngắn hạn dưới 12 tháng, cơ bản giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học do tăng số lớp, số học sinh hàng năm. 

Cụ thể là thực trạng một số giáo viên vẫn chưa chủ động và thích ứng việc soạn giáo án cũng như cách thức tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến, chú trọng giáo dục ý thức tự giác cho học sinh trong học tập, bảo đảm mỗi tiết học được quản lý hiệu quả và an toàn
Cụ thể là thực trạng một số giáo viên vẫn chưa chủ động và thích ứng việc soạn giáo án cũng như cách thức tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến, chú trọng giáo dục ý thức tự giác cho học sinh trong học tập, bảo đảm mỗi tiết học được quản lý hiệu quả và an toàn. (Ảnh: Truyền hình Quốc Hội) 

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề bất cập và đề xuất, trao đổi hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Song song đó, phụ huynh và giáo viên gặp khó khăn trong việc giám sát, chăm sóc, hướng dẫn học sinh học tập, nhất là đối với học sinh nhỏ tuổi, không để học sinh tiếp xúc với các nội dung xấu, độc trên mạng. Việc mất cân bằng xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến ảnh hưởng tâm lý và điều kiện sinh sống có thể làm học sinh bỏ học, không theo kịp tiến độ học. Đồng thời, cần có các giải pháp nhằm khôi phục các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm đáp ứng đủ nhân sự và giáo viên, đặc biệt ở cấp mầm non.

Hoàng Thu