Bắc Giang: Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa

11:33 26/01/2024

Bắc Giang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng dân tộc thiểu số.

Thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần DTTS, chiếm hơn 14% dân số toàn tỉnh. 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang triển khai 10 dự án thành phần tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; chuyển đổi nghề, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chuyển đổi số cho người dân vùng đồng bào DTTS… và đạt được những kết quả nhất định.

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển KT-XH miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển KT-XH miền núi, vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Cổng TTĐT)

Nhiều dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc); Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít và ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại huyện Yên Thế, Lục Nam...

Thông qua thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc khác đã góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng DTTS&MN năm 2023 giảm bình quân 1,98% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK giảm bình quân 4,64% (trong đó cá biệt có những xã giảm nghèo đến hơn 10% như xã Phú Nhuận (huyện Lục Ngạn); xã Yên Định (huyện Sơn Động).

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN. (Ảnh: Cổng TTĐT)

Đồng chí Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN đã được các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện, nhiều dự án bước đầu phát huy hiệu quả. Nổi bật là dự án 1, dự án 4, dự án 5… đã tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Các chương trình MTQG và các chính sách dân tộc khác trên địa bàn đã góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, nhất là tại các xã ĐBKK. 

Xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người DTTS

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo người DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, giảm dần số xã, thôn ĐBKK; ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã ĐBKK giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 2 xã thoát khỏi diện ĐBKK. Hỗ trợ 201 hộ làm nhà ở, 1.334 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.852 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tập trung.

Hoàn thành 30 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 2 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 91 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản ĐBKK; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; bảo tồn 2 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS; 10 thiết chế văn hóa, thể thao.

Bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS
Bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS. (Ảnh: Cổng TTĐT)

Nâng cao chất lượng dân số, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em. Nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tạo điều kiện để đồng bào các DTTS nâng cao nhận thức về pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng chí Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về phát triển KT-XH bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Giáo dục truyền thống, văn hóa, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, khát vọng tự lực vươn lên làm giàu chính đáng để thoát nghèo và giảm nghèo bền vững. Cùng đó, lồng ghép, huy động, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân.

PV (T/h)