Dương Kỳ Anh là bút danh của nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong. Lấy tên quê hương (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) làm bút danh cho mình không phải là điều gì xa lạ trong giới văn chương, báo chí. Thế nhưng trong suốt thời gian vừa qua, vùng đất nghèo quê ông được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong đời sống xã hội với rất nhiều điều không vui, thậm chí là khá gay gắt, khiến bản thân ông nói riêng và rất nhiều người con của quê hương Hà Tĩnh nói chung không khỏi có những xa xót, ngận ngùi… Cuộc trò chuyện dưới đây phần nào nói lên những suy nghĩ, những trăn trở của một nhà thơ, nhà báo, một người dân Kỳ Anh đang ở xa nhưng luôn đau đáu với quê hương…

Trên lộ trình từ Bắc vào Nam, Đèo Ngang nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với các di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo... Ảnh Internet

* Thưa nhà thơ Dương Kỳ Anh, tâm trạng của nhà thơ những ngày này như thế nào khi địa danh thân thương mà anh lấy làm bút danh - một huyện nghèo của Hà Tĩnh đang bị Formosa làm cho xộc xệch, méo mó?

- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi không những lấy tên quê làm tên mình mà tôi cũng lấy tên quê hương đặt cho con. Con cả Dương Thái Hà là lấy hai từ đầu của Hà Tĩnh (quê tôi) và Thái Bình (quê vợ) ghép thành. Cháu Dương Anh Xuân là lấy tên xã  (Kỳ Xuân) và tên huyện (Kỳ Anh) nơi tôi sinh ra và lớn lên đặt tên cho con gái. “Lấy tên quê đặt tên mình/ là lòng ta đã nặng tình quê hương”, bởi vậy sự kiện Formosa làm tôi rất đau lòng. Tôi đã viết nhiều bài báo về sự kiện này đăng trên nhiều tờ báo. Trong bài “Chân sạch, chân bẩn” tôi đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa ấy là chúng ta chỉ trải thảm đỏ đón nhứng bàn chân sạch trong đầu tư nước ngoài chứ quyết không trải thảm đỏ đón những bàn chân lem luốc… Sau sự kiện cá biển chết hang loạt, tôi cũng như các em, các cháu tôi đã về quê, nhìn bến thuyền tập nập một thời nay vắng hoe, trông rất thảm, ngay cả người nhà tôi cũng không ai dám ăn cá… Bao năm qua mỗi lần về quê tôi thường ra tắm biển và mua rất nhiều cá về ăn. Vợ tôi còn ướp vào thùng xốp có đá lạnh rồi mang ra Hà Nội… Thế mà bây giờ… thật đau lòng… người dân quê tôi thật khổ .

* Từng có dịp theo anh về quê Kỳ Anh cũng như những lần ghé qua 6 xã của Kỳ Anh mà hiện Tổ hợp thép khổng lồ Formosa đang đứng chân. Đâu còn những xóm nghèo thanh bình thuở trước? Cái vịnh Vũng Áng yên tĩnh thơ mộng mà năm nào chúng ta lưu lại một đêm trăng nay đang căng ứ sắt thép cùng bê tông - đầu não của Formosa từng thải độc làm ô uế tang thương suốt 4 tỉnh miền Trung. Cảm giác anh thế nào?

- Quê tôi thủa xa xưa gọi là làng Xuyên Cẩm, một vùng non xanh nước biếc, có núi, có biển, có ruộng lúa, ao sen, cây đa giếng nước rất đẹp. Ngoài Đèo Ngang nổi tiếng cả nước“Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” của bà huyện Thanh Quan, đất Kỳ Anh cũng có nhiều địa danh được nhiều người biết đến, trong đó có “Phu nhân chế thắng linh tự”, tức đền thờ cung phi Bích Châu, vợ của vua Trần Dụ Tông, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam đã dâng lên mười kế sách xây dưng đất nước, thanh trừng đám tham quan ô lại .“Kê minh thập sách” (mười lời răn khi gà gáy sang) nổi tiếng trong lịch sử nước nhà. Sau này chính vua Lê Thánh Tông đã ra sắc dụ xây “Phu nhân chế thắng linh tự” ngay ở gần một cửa biển lớn của huyện Kỳ Anh, nơi bà đã nhảy xuống trẫm mình để cứu vua, cứu xã tắc sơn hà. Người dân ở quê tôi gọi là đền  bà Hải. Đây là nơi được coi là rất linh thiêng, hàng năm có hang triệu người từ khắp đất nước hành hương về đây… Năm 2004 tôi đã xuất bản cuốn tiểu thuyết XUYÊN CẨM (nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành), là viết về chính quê mình và gia tộc mình. Sau này người ta đổi tên làng Xuyên Cẩm thành Trần Phú, thuộc xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Bao năm qua, quê tôi là một vùng đất mà người dân sống chủ yếu bằng nghề đi biển và làm ruộng. Bây giờ, biển chết, cá chết cả dãy san hô cũng chết… thì người dân sẽ sinh sống sao đây …

Dự án Formosa Hà Tĩnh được nhiều chuyên gia kinh tế cho là một dự án tiêu biểu về thất bại trong chính sách thu hút FDI thiếu cân nhắc của Việt Nam...  Ảnh Internet

* Đã đành không thể mài cái quá vãng thanh bình thơ mộng nhưng nghèo xác của Kỳ Anh ra mà ăn được. Vậy nên Hà Tĩnh đã xăm xắn háo hức rước ngay về một dự án có tên Formosa bất chấp lý lịch đen về môi trường mang tên Formosa. Chợt nhớ ra nhiều nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo Hà Tĩnh và gần đây nhất là ông Võ Kim Cự tác giả chính của Formosa vốn là chỗ quen thân với anh. Quá trình tích tụ để có một Formosa tai tiếng như bây giờ, anh có nghe có biết gì không? Họ có chia xẻ với anh thông tin này khác về dự án thép khổng lồ này không?

- Võ Kim Cự là thế hệ đàn em, kém tôi cả chục tuổi. Khi Võ Kim Cự học một lớp ngắn hạn tại trường đoàn cao cấp Liên Xô, thời đó tôi cũng học ở Liên Xô. Rồi có người giới thiệu đồng hương Hà Tĩnh Võ Kim Cự với tôi. Năm 1987, tại đại hội đoàn toàn quốc lần thứ 5, tôi được bầu vào BCH, rồi ban Thường vụ Trung ương Đoàn, được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn và làm TBT báo Tiền Phong. Sau đại hội, đoàn Thanh niên phát động phong trào thanh niên lập nghiệp, lúc đó hình như Võ Kim Cự đang là bí thư huyện đoàn Cẩm Xuyên. Cự hăng hái thành lập một xí nghiệp thanh niên ở huyện quê nhà, anh Hà Quang Dự lúc đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có bàn với tôi giúp Cự, báo Tiền Phong cho xí nghiệp thanh niên do Võ Kim Cự làm giám đốc vay một ít tiền để xây dưng xí nghiệp… Khi Võ Kim Cự lên làm phó chủ tịch tỉnh, tôi có gặp một lần, từ đó đến nay gần chục năm tôi không gặp Cự. Cách đây hơn một năm, tôi có hỏi số điện thoại của Cự muốn phản ánh một số vấn đề mà nhiều cán bộ lâu năm ở tỉnh không đồng tình như việc chia tách huyện Kỳ Anh, việc để Fomorsa làm việc này việc khác… nhưng Võ Kim Cự không nghe máy, tôi  không liên lạc được với Võ Kim Cự, nghe nói Võ Kim Cự bận lắm?

* Chả riêng biển Kỳ Anh mà hơn 200 km của 4 tỉnh miền Trung bây giờ vắng hoe thuyền bè. Thuyền cá như dân xếp ụ. Thiên Cầm, Cửa Tùng, Cửa Việt, Lăng Cô… lèo tèo thưa thớt người tắm. Hơn 400 ha rạn san hô dưới tầng mặt nước bị bức tử… Nhà thơ nghĩ gì về bức tranh miền Trung mùa hè năm 2016 và di họa sau này?

- Thật đau lòng . Ai đã làm nên thảm cảnh này, ai đã để lại di họa này ? Hẳn nhiều người đã biết …

...Và thảm cảnh của người dân vùng biển miền Trung được xác định là có liên quan đến dự án này... Ảnh Internet

* Xứ địa linh Hà Tĩnh luôn sinh nhân kiệt. Từ Nguyễn Du đến La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Phan Đình Phùng, học giả Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Xuân Hãn vv… Thời mới, nội huyện Hương Sơn có đến 4 Ủy viên Bộ chính trị quê ở đó. Tân chủ tịch Hà Tĩnh được coi là trẻ nhất nước nghe đâu cũng là con trai một người bạn thân của anh. Tỉnh Hà Tĩnh hiện cũng đứng đầu cả nước về số lượng nhân sự cao cấp Ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Trung ương. Anh nghĩ gì về đội ngũ cán bộ trẻ cùng quê cũng như đang tòng nhiệm ở quê?

- Tôi tự hào vì quê hương mình từ xa xưa đã có nhiều người tài giỏi. Tôi mong những người con của quê hương sau này nối tiếp được truyền thống của ông cha… Tôi nhớ cách đây gần chục năm, có một người mà tôi quen biết, cũng quê Hà Tĩnh, đang là phó chủ tịch một tập đoàn công nghiệp lớn có lên chơi và ăn cơm với tôi ở nhà vườn Sóc Sơn. Lâu ngày gặp nhau nên vui lắm. Trong bữa cơm tôi có bày tỏ chính kiến của mình về việc Kỳ Anh, cụ thể là ở Vũng Áng, đang tiến hành xây dựng một cụm công nghiệp lớn như nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, nhà máy thép (là chính Formosa sau này). Tôi bảo, đó là một vùng đất rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, nhất là việc người nước ngoài vào làm ăn lâu dài… tôi cũng không muốn, không hoan nghênh, không chấp nhận việc xây dựng một cụm công nghiệp như vậy vì sẽ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Người quen đó bảo tôi: Muốn quê mình giầu lên thì phải trả giá chứ! Tôi bảo: Đúng, nhưng không thể bằng mọi giá. Tôi cũng nói hiện nay nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Bắc Âu mà tôi đã đến người ta đã cấm xây dựng nhà máy thép, nhiệt điện, xi măng ở vùng dân cư. Tôi đề nghị anh ấy nên tham mưu để lãnh đạo tỉnh, huyện phát triển công nghiệp không ống khói, tức du lịch xanh vì Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung là vùng đất rất nhiều danh lam thắng cảnh… Không ngờ, người mà tôi quen biết bao năm tỏ ra rất khó chịu khi nghe tôi nói những điều trên… Sau đó không thấy anh ấy liên hệ gì với tôi nữa, dù trước bữa cơm anh đã rất vui vẻ mời tôi đi chỗ này nơi khác. Từ đó chúng tôi cũng bặt tin nhau …

 * Như một thứ không tưởng nếu gạ thêm cung cách bí quyết quản lý, quản trị ở một thi sĩ như Dương Kỳ Anh. Nhưng dưới một góc độ nào đó của nhân sĩ Dương Kỳ Anh, để khắc phục đại họa Formosa sẽ như thế nào? Tạm thỏa mãn mức đền bù? Chầm chậm lặng lẽ cắn răng từng bước khắc phục? Lặng lẽ cùng kiên quyết việc trục xuất một địa chỉ môi trưởng đen như Formosa vv…?

- Như tôi đã nói ở trên, mong ước của tôi là phát triển du lịch, phát triển công nghiệp du lịch ở vùng quê giầu di tích danh lam thắng cảnh như Hà Tĩnh, Kỳ Anh quê tôi là điều hết sức thích hợp. Còn việc khắc phục thế nào, có lẽ những người trong cuộc hiểu rõ hơn tôi. Tôi thiển nghĩ, mối nguy hại nào cũng phải diệt trừ tận gốc thì dân mới yên ổn làm ăn lâu dài. Tôi chỉ mong sao vụ Formosa là một bài học nhớ đời để không bao giờ chúng ta mắc phải, dù là ở quê tôi hay ở mọi miền quê trên đất nước mình…

* Xin cảm ơn nhà thơ về những điều chia sẻ vừa rồi…

Xuân Ba (thực hiện). Nguồn: Báo Văn nghệ