Hoa hậu chửi thề: Cần sòng phẳng

08:03 23/11/2020

Vẫn như mọi lần, mỗi lần hoa hậu đăng quang là một độ scandal ồn ào quá khứ. Gần nhất, tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà vừa đội vương miện, lập tức những lời lẽ tục tĩu được viết tắt bị “đào bới” lại.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà bị mổ xẻ chuyện
Hoa hậu Đỗ Thị Hà bị mổ xẻ chuyện "chửi bậy, nói tục" 

Lập tức, Đỗ Thị Hà giải thích về chuyện này: "Về những thông tin trên mạng xã hội trước đây thì em là cô gái khá vô tư nên đôi khi cũng có những hình ảnh, câu nói vui đùa. Có thể mọi người nghĩ em là một cô gái không phải gu của nhiều người nhưng em nghĩ kể từ khi em là tân Hoa hậu thì em sẽ cố gắng thay đổi để xứng đáng với danh hiệu Hoa hậu của công chúng".

Đáng nói, ở phần thi ứng xử, Đỗ Thị Hà gặp câu hỏi: Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ không?

Đỗ Thị Hà trả lời: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, tôi nghĩ mình là người đã mang đủ phẩm chất, những yếu tố cần và đủ của con gái Việt Nam. Và dù có trở thành hình mẫu của giới trẻ Việt Nam hay không thì tôi phải là người luôn truyền cảm hứng tới giới trẻ. Và tôi sẽ làm được điều đó”.

Đặt câu trả lời này với những lời nói tục trên mạng của tân hoa hậu, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán. Nhưng mọi thứ cần đặt vào bối cảnh. Theo câu hỏi và phần trả lời ấy, có hai Đỗ Thị Hà: Đỗ Thị Hà, 19 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân và Đỗ Thị Hà - Tân Hoa hậu. Những dòng bình luận nhạy cảm của cô gái trẻ Đỗ Thị Hà có từ trước khi cô đăng quang hoa hậu, trước khi cô tự tin trở thành “hình mẫu cho giới trẻ Việt Nam”.

Và nữa, Đỗ Thị Hà sinh năm 2001, thế hệ Z - thế hệ sinh sau năm 1996. Đây là thế hệ trưởng thành cùng mạng xã hội. Họ lớn lên khi các thiết bị thông minh có sẵn, mạng xã hội đã phát triển đầy đủ. Họ được thụ hưởng công nghệ với rất nhiều tiện ích. Nhưng, họ cũng chịu những hệ lụy trái chiều mà họ không hề hay biết. Một trong số những thứ đó là chửi thề bằng các chữ cái viết tắt.

Về vấn nạn này, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân từng nói: "Xóa nói tục, chửi thề chỉ là ảo tưởng thuần túy mà thôi". Còn cố PGS Văn Như Cương - người từng cấm học sinh trong trường mình nói tục trên mạng xã hội - cho rằng: "Nói tục, chửi bậy chắc chắn phản ánh một phần nào đó về văn hóa của mỗi người, nhưng không thể vì thế mà kết luận rằng các em có tư tưởng bệnh hoạn, thiếu đạo đức. Hiện tượng này là do thói quen đa phần không thuộc về bản chất, ý thức của các em học sinh".

Tôi hoàn toàn đồng tình với những quan điểm này. Một cô gái 19 tuổi chửi thề bằng ký hiệu viết tắt không đáng biểu dương. Cũng không vì đa số thế hệ em như vậy nên em có quyền như thế. Song, cần sòng phẳng đặt câu chuyện trong đúng bối cảnh. Rằng chửi thề từ ký hiệu viết tắt đang là vấn nạn trên mạng xã hội của người trẻRằng cô hoa hậu cũng là con người, người rất trẻ, và đôi khi có những sai lầm. Và sẽ thật không công bằng nếu chúng ta phủ nhận sạch trơn những nỗ lực của cô gái vì vài ký hiệu viết tắt trên mạng.

Trước đây có cô hoa hậu từng bị vùi dập không thương tiếc vì… ngủ không đẹp trên máy bay. Cô bị chụp trộm khi đang ngủ và cộng đồng mạng đã bình luận, phán xét với lời lẽ rất nghiêm trọng.

Phụ nữ là để nâng niu. Người trẻ cần được bao dung. Những cô gái trẻ mười chín, đôi mươi mới có được một chút tạm gọi là vinh quang đầu đời không đáng bị vùi dập không thương tiếc như vậy.

Dù có nói đi bàn lại thế nào, thì chúng ta cũng cần phải thống nhất với nhau một quan điểm:

Thứ nhất, nói tục, chửi bậy cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội là một tệ nạn cần giảm thiểu đi tới xóa bỏ.

Thứ hai, những dòng viết tắt trên mạng xã hội trước khi trở thành hoa hậu của Đỗ Thị Hà không nên là cái cớ đề vùi dập một cô gái mới 19 tuổi mà cả cuộc đời còn ở phía trước. Nhất là khi cô gái ấy vừa đội lên đầu chiếc vương miện suy tôn là người đẹp nhất của Việt Nam năm 2020.

Mỹ Mỹ (bizlive)