Doanh nghiệp Việt không thể cứ ngồi đây và khư khư ôm lấy mảnh đất của mình

00:00 12/10/2020

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân, doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bước ra thị trường thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thói quen tổ chức kinh doanh cũng như yếu kém về tiêu chuẩn chất lượng sẽ là rào cản không nhỏ để đưa nền kinh tế nước nhà cất cánh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân, doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bước ra thị trường thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thói quen tổ chức kinh doanh cũng như yếu kém về tiêu chuẩn chất lượng sẽ là rào cản không nhỏ để đưa nền kinh tế nước nhà cất cánh.

Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân khi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên lề buổi lễ vinh danh Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 tổ chức tối 20/2.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân được biết đến như một chuyên gia nhượng quyền hàng đầu Việt Nam. Bà là thành viên sáng lập và phát triển công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời là Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia - đại diện cho gần 1.000 thương hiệu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương.. Bà còn là cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia. Bà từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s…

Với 20 năm bước vào thị trường quốc tế, bà đã ra mắt các cuốn sách về kinh tế và khởi nghiệp như "Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới", "Quẩy gánh băng đồng ra thế giới", “Tôi, Tương lai và Thế giới”...

Đầu tư - Doanh nghiệp Việt không thể cứ ngồi đây và khư khư ôm lấy mảnh đất của mình

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân mong doanh nghiệp thay đổi để hội nhập và cạnh tranh tốt hơn. (Ảnh: Hà Nhân).

Thưa bà, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để bước ra thị trường thế giới?

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn dành cho các sản phẩm bản địa, trong đó có Việt Nam. Bởi, nếu thế giới chỉ phát triển theo hình thức bình thường thì có lẽ doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt Nam khó có thể bắt kịp được sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài khi họ đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Thậm chí, họ còn đã đi xa hơn so với doanh nghiệp Việt Nam về kiến thức, trải nghiệm, mô hình và cách làm.

Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với hai ngưỡng cửa rất lớn, đó là toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đây là sự cộng hưởng, tạo ra thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp bản địa, trong đó có Việt Nam để hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Khi tiến đến số hóa, thị trường sẽ mất đi khoảng cách về mặt địa lý. Thị trường trên mạng rất rộng và tức thì, một tin quảng cáo từ tỉnh Bến Tre chẳng hạn thì khách hàng quốc tế có thể tiếp cận được rất dễ dàng. Thứ hai, thông tin cần thiết về sản phẩm, tiêu dùng được phổ biến nhanh và rộng hơn. Từ đó, người tiêu dùng sẽ ngày càng hứng thú với các sản phẩm bản địa.

Với những chuyển động hào hứng như thế, khoảng cách giữa doanh nghiệp, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam so với thế giới có thể cắt ngắn lại khi chúng ta biết cách sử dụng công nghệ và hiểu biết về tinh thần của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đây là "cửa sổ vàng" nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội.

Nhưng từ hiện thực đến mục tiêu là con đường rất dài. Doanh nghiệp Việt Nam phải tự “lột xác” như thế nào để sánh vai với bạn bè quốc tế?

Đối với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới mà tôi có cơ hội làm cố vấn, hầu hết đều đã có chiến lược và kế hoạch triển khai mang tầm quốc gia để phát triển thương hiệu, mang sản phẩm bản địa đến với thị trường thế giới một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Tại Việt Nam, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng thì mới có thể đi nhanh hơn. 

Ví dụ, các doanh nghiệp bản địa thường rất giỏi về sản phẩm, thành thạo về thông tin, nguồn nguyên vật liệu cũng như lịch sử phát triển sản phẩm của mình, chúng ta làm rất tốt. Nhưng, chúng ta thiếu rất nhiều thứ khác như là làm nghiên cứu thị trường, phát triển đa dạng hơn các mô hình kinh doanh.

Điều mà chúng ta cần nhất nhất lúc này là những người có đầu óc chiến lược mang tầm quốc tế, họ nhìn vào sản phẩm bản địa của chúng ta và đưa ra những cách thức và mô hình để sản phẩm đó chinh phục thị trường thế giới dễ dàng nhất. Mà điều này thì môi trường tại Việt Nam đang rất thiếu.

Để làm được những khát khao đó, chính sách và chiến lược là chưa đủ, nguồn vốn có phải là vấn đề đáng suy nghĩ không, thưa bà?

Lạc quan mà nói, chúng ta không thiếu nguồn vốn vì trong xã hội có rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vì thế, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận với nguồn vốn ra sao để nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng từ mô hình kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, người Việt Nam chúng ta quen làm riêng lẻ. Đối với doanh nghiệp Việt, chúng ta phải thay đổi tư duy từ cách tổ chức làm việc, chúng ta không thể tiếp tục làm một mình nữa mà phải mở rộng sự hợp tác. Khi bạn giỏi về chất lượng sản phẩm, các mảnh ghép còn lại về tài chính, về phát triển thị trường cần phải được tìm kiếm và cùng cộng tác. Nếu bạn không cộng tác với người khác, với các đối tác và nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ không thể tận dụng cơ hội vàng trong thời đại này.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý điều gì về tiêu chuẩn về kỹ thuật khi hội nhập với thế giới?

Trong các chuyển động của thế giới từ nay đến năm 2030, có một chuyển động rất quan trọng là dân số, hiểu biết người tiêu dùng. Họ rất quan tâm đến công nghệ, đến xã hội và môi trường.

Chính vì vậy, khi bạn sản xuất bất kỳ sản phẩm nào cũng phải quan tâm yếu tố xanh – sạch, đảm bảo sức khỏe,... Chúng ta không thể nói rằng ngày hôm nay chúng ta sản xuất để bán tại thị trường Việt Nam nữa. Nếu chúng ta vẫn còn tư duy đó thì mình đã thua ngay từ đầu rồi.

Thị trường hiện nay là không biên giới, hàng hóa các quốc gia khác đang tràn ngập trong nước. Họ đi ra khắp thế giới thì chúng ta cũng phải theo xu hướng, theo tiêu chuẩn quốc tế. Phải nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, không thể cứ ngồi đây và khư khư ôm lấy mảnh đất của mình. Chúng ta phải bước ra thế giới với sự cạnh tranh khốc liệt bằng các tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp cần có lộ trình ngắn hạn và dài hạn trong sự kết hợp hài hòa để hội nhập về kinh tế hiệu quả và thành công tại nhiều thị trường.

Cảm ơn những chia sẻ quý giá của bà!

Hà Nhân