Cơ giới hóa hầm lò ở Than Nam Mẫu – không thể phủ nhận thành tựu!

00:00 12/10/2020

Lâu lắm tôi mới trở lại Công ty than Nam Mẫu. Than Nam Mẫu bây giờ thay đổi khá nhiều; đặc biệt là đổi mới công tác quản lí và một số mô hình chăm lo đời sống cho công nhân hầm lò. Tiếp chúng tôi hôm đó là giám đốc, phó giám đốc và một số trưởng, phó phòng chuyên môn. Nom ai cũng trẻ, vạm vỡ. Phó giám đốc tầm ngoài ba mươi, cao chừng mét tám. Ông giám đốc hào hứng “khoe” những cán bộ cấp dưới của mình, rằng, “quân” của ông nom trẻ thế nhưng tinh nhuệ lắm, từng được đào tạo cơ bản, từng qua thực tế sản xuất trong hầm lò. Ví như anh Thái, Phó giám đốc đã từng làm quản đốc, trưởng phòng kỹ thuật. Có được đội quân tinh nhuệ thế này, ông rất yên tâm.

Thật hiếm hoi khi được nghe ông giám đốc mỏ đề cao vai trò cấp dưới của mình. Tôi đã biết, nhiều ông giám đốc lúc nào cũng tất bật, luôn kêu ca bận rộn như sự khoe khoang rằng, việc gì ông ta cũng phải mó tay vào, sểnh ra là hỏng. Thế nhưng, thực tế, ít ông giám đốc mỏ dành thời gian để đi lò. Thậm chí, có ông giám đốc, cả tháng không đi lò; phó mặc công việc chỉ đạo sản xuất, an toàn mỏ cho cấp phó. Mà “quân” Nam Mẫu đáng khen thật. Công ty hiện có 750 kỹ sư, 15 cán bộ kỹ thuật có học vị thạc sỹ chuyên ngành khai thác mỏ, 11 cán bộ đang tiếp tục theo học cao học đào tạo thạc sỹ về lĩnh vực khai thác, cơ điện và kinh tế mỏ. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc áp dụng công nghệ mới trong hầm lò.

Trở lại Than Nam Mẫu lần này chúng tôi tìm hiểu việc áp dụng cơ giới hóa hầm lò của Công ty sau khi nhận được thông tin phản ánh tới Tòa soạn về hiệu quả đầu tư cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty đạt thấp. Rằng, vì sao giàn CGHĐB hoạt động chưa hết khấu hao đã ngừng hoạt động trong thời gian dài? v.v. Thoạt tiên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty nêu quan điểm, rằng: đánh giá về việc cơ giới hóa hầm lò phải có cái nhìn toàn diện và tiến bộ; rằng, cơ giới hóa hầm lò bao gồm các khâu vận tải, thông gió, khoan nổ mìn, bốc xúc, chống giữ v.v. trong dây chuyền sản xuất; rằng, có những công nghệ mới, ban đầu  thắng lợi nhưng sau đó phải thay thế bằng công nghệ mới tiên tiến hơn, ưu việt hơn. Ví như cột chống thủy lực đơn, thành công đấy, nhưng sau đó phải thay thế bằng dàn chống thủy lực hiện đại hơn, năng suất cao hơn. Ngược lại, việc thí điểm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ (CGHĐB), hiệu quả không như mong muốn nhưng đó là cơ sở để rút kinh nghiệm cho việc đầu tư CGHĐB của Tập đoàn tại một số đơn vị khác.

Tôi đồng tình với quan điểm trên của ông Giám đốc. Dù đánh giá thế nào cũng không thể phủ nhận hiệu quả việc đầu tư toàn diện về đổi mới công nghệ của Công ty; không thể phủ nhận trình độ, năng lực của đội ngũ CNCB của Công ty. Nếu không đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, không có lực lượng nòng cốt nêu trên với những đổi mới công tác quản lí thì làm sao Than Nam Mẫu “bứt phá” từ một đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của Tập đoàn TKV với mức tăng trưởng vượt bậc: Sản lượng than nguyên khai khi thành lập (năm 1999) là 201.817 tấn, nay là 2.160.700 tấn, tăng 10,7 lần; Tổng doanh năm 2015 là 2.482 tỷ 420 triệu đồng, tăng gấp 37 lần!

Theo báo cáo của Công ty, từ năm 2000 đến năm 2015, Công ty đã đầu tư trên 60 dự án, công trình đổi mới công nghệ. Đó là lò chợ cột thủy lực đơn năm 2000 (ngay sau khi thành lập mỏ); lò chợ giá thủy lực di động năm 2001; lò chợ khai thác chia lớp ngang nghiêng, khoan neo định vị lắp đặt băng tải treo, tầu điện AM-8 kéo goòng 3 tấn, hệ thống thông tin điện thoại điều hành nội bộ năm 2003; giá khung di động, song loan chở người năm 2007; băng tải đá giếng chính, băng tải than lò xuyên vỉa +125 năm 2008; hệ thống vận chuyển người và vật tư thiết bị trong lò (monoray) năm 2009; lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khai thác bằng giàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than; hệ thống giám sát khí mê tan năm 2010; lò chợ giá thủy lực di động liên kết xích năm 2016. Hiện tại Công ty có 12 lò chợ khai thác và 21 gương lò đang hoạt động. Trong đào lò, Công ty đã áp dụng công nghệ đào lò bằng máy combain-50Z, đưa máy khoan hai choòng vào gương lò đá v.v. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư hệ thống quan trắc mỏ kiểm soát hệ số an toàn và người ra vào lò đảm bảo an toàn trong điều hành sản xuất. Áp dụng các phần mềm tin học trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty như: Phần mềm chuyên dùng về công tác khai thác, trắc địa địa chất, thông gió và quản lý khí mỏ v.v.

Trong những công trình cơ giới hóa hầm lò nêu trên, chúng tôi chú ý đến một số công trình tiêu biểu, lần đầu tiên áp dụng ở Than Nam Mẫu:

than_nam_mu_3

 Monoray . Ảnh tư liệu của Công ty than Nam Mẫu

Nhiều đoàn khách xuống “xem” hầm lò, chỉ đi lại, leo trèo thôi đã kiệt sức. Vậy mà hàng ca, thợ lò Nam Mẫu phải đi lại nhiều cây số trong lò, còn khênh vác vật liệu và làm nhiều công việc nặng nhọc khác. Nhằm giảm thời gian, công sức cho thợ lò, khi đang đào lò xây dựng cơ bản thuộc Dự án Đầu tư khai thác phần lò giếng từ mức 125 xuống âm 50, tại giếng phụ Thượng Yên Công, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ mỏ, nghiên cứu, khảo sát và lập dự án lắp đặt hệ thống monoray với tổng mức đầu tư của công trình là 88,66 tỷ đồng, bao gồm: Hệ thống monoray có chiều dài 4.680m từ cửa giếng đến các gương lò khai thác, kết hợp với Đầu tàu Đi-e-zen, toa xe DLZ110F có công suất 81 KW, tốc độ vận chuyển tối đa 2,5m/s, trọng tải 18 tấn (điều kiện góc dốc là 150) do Cộng hòa Séc sản xuất. Hệ thống monoray đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản và phục vụ khai thác sau này. Đặc biệt, nó đã “cõng” hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị cho việc cơ giới hóa hầm lò. Hơn 5 năm hoạt động, hệ thống monoray luôn đảm bảo an toàn, chất lượng tốt.

Băng tải đá:

Băng tải đá đặt ở giếng chính để vận tải đất đá trong quá trình đào lò và vận chuyển than sau khi Dự án đi vào khai thác cũng mang lại hiệu quả cao. Đây là băng tải đá đầu tiên được áp dụng trong hầm lò. Băng tải đặt trong độ dốc khoảng 15 độ; dài trên 700 mét; năng suất 760 tấn/giờ. Sau nhiều năm hoạt động trong môi trường ẩm ướt, vận tải đá có kích thước nhỏ hơn 200 mm nhưng băng tải hoạt động tốt.

Xe khoan 2 hai choòng:

  Xe khoan 2 choòng cũng là  thiết bị rất hiện đại, lần đầu tiên áp dụng ở Nam Mẫu. Đó là thiết bị đồ sộ, di chuyển bằng bánh xích, đầu khoan thủy lực linh hoạt, mỗi đầu khoan có thể hoạt động độc lập dùng để khoan các gương lò đá có độ cứng f12 (f là hệ số độ cứng đất đá, phân loại từ 1-20). Xe khoan này được đưa vào Nam Mẫu từ năm 2008, hiện đang hoạt động tại lò xuyên vỉa mức âm 50. Sau một thời gian đưa vào ứng dụng, xe khoan hai choòng đã khẳng định nhiều tính ưu việt nổi trội. Thứ nhất, đó là tăng năng suất lao động. Trên thực tế khi thi công các đường lò đá có tiết diện lớn nếu sử dụng khoan tay khí ép thì phải mất hàng ca cho công đoạn khoan nổ mìn. Nhưng nếu áp dụng xe khoan 2 choòng thì công việc khoan nổ mìn chỉ mất từ 1 đến 2 giờ đồng hồ và thời gian còn lại trong ca có thể triển khai việc lên xà, chèn bê tông và xúc dọn đất đá.

Dàn cơ giới hóa đồng bộ

lam-viec-trong-ham-mo

Dàn CGHĐB khi đang hoạt động. Ảnh tư liệu của Công ty than Nam Mẫu.

Đây là Dự án Đầu tư áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hoá đồng bộ khai thác sử dụng dàn chống tự hành kết hợp máy khấu than (CGHĐB). Dự án này được được phê duyệt từ tháng 9/2009, do Công ty phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ mỏ triển khai lắp đặt từ ngày 15/6/2010; bao gồm 66 bộ dàn chống tự hành Vinaalta, 1 máy khấu than và các thiết bị phụ trợ (máng cào, trạm điện, trạm cấp dịch, cầu chuyển tải...), tổng chiều dài lò được lắp đặt khoảng 99m. Công suất thiết kế của lò chợ 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 262,8 tỷ đồng. Đây là lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đầu tiên với dàn chống tự hành do Công ty Chế tạo máy - Vinacomin chế tạo. Lò chợ đầu tiên áp dụng công nghệ này thuộc vỉa 6, mức 155 - 190, khu Than Thùng, có chiều dày vỉa than trung bình từ 5,5 đến 6,5 mét, độ dốc 5 đến 150, trữ lượng than trên 4 triệu tấn.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Công ty đã phối hợp với Viện KHCN Mỏ mở các lớp huấn luyện về hướng dẫn lắp đặt, vận hành cho một nhóm các CNCB trong nước tại Công ty Than Vàng Danh - nơi đã có lò chợ khai thác bằng công nghệ này từ năm 2008. Một nhóm CNCB khác sang học tập công nghệ tại Cộng hoà Séc - nơi sản sinh ra công nghệ này. Sau 1 tháng 22 ngày lắp đặt, đến ngày 6/8/2010, Dự án hoàn thành, bàn giao, đi vào hoạt động.

Từ khi hoạt động đến tháng 5/2015 (thời điểm dàn CGHĐB ngừng hoạt động, đưa lên mặt đất) lò chợ này đã khai thác được 665 nghìn tấn than. Sản lượng ca cao nhất 702 tấn; ngày cao nhất đạt 1850 tấn; tháng cao nhất 39 ngàn tấn; năng suất có thể đạt 14 tấn/công. Sau 5 năm hoạt động, dàn CDHĐB đã qua 4 lần chuyển diện. Trọng lượng thiết bị, phụ kiện mỗi lần phải di chuyển, lắp đạt trên 1200 tấn; gồm: máy khấu, dàn chống, máng cào, cầu chuyển tải, băng tải. Thời gian chuyển trung bình khoảng 40 ngày.

Qua thực tế áp dụng CGHĐB ở Than Nam Mẫu, có thể rút ra mấy điểm nổi bật sau: Công nghệ này rất an toàn. ừ khi áp dụng công nghệ này đến khi “nó” ngừng hoạt động, lò chợ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mặt khác, nếu điều kiện địa chất ổn định, năng suất lò chợ CGHĐB cao hơn nhiều so với lò chợ giá khung (lò chợ giá khung bình quân đạt 8 tấn/công thì lò chợ CGH lúc cao điểm có thể đạt 14 tấn/công). Tính ưu việt nổi trội nữa của công nghệ này là thu hồi than triệt để, giảm tổn thất tài nguyên.

 Tuy nhiên, sản lượng lò chợ CGH hiện vẫn chưa cao so với thiết kế. Bởi trong quá trình thử nghiệm, CNCB vừa làm vừa học, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý vận hành thiết bị. Mặt khác, điều kiện địa chất của vỉa biến động rất lớn so với dự kiến ban đầu, gây khó khăn ách tắc sản xuất. Có thời điểm, lượng nước ở lò 90 - 120 m3/h. Lớp đá vách của vỉa mềm yếu, thường bị gãy trước gương. Công tác sửa chữa thiết bị có lúc còn lúng túng, phụ tùng thay thế chưa kịp thời…

Cao Minh;