Cái đẹp y đức ở cạnh chúng ta

00:00 12/10/2020

Trong cả một quãng thời gian dài, dư luận xã hội bất bình với những hành vi đi ngược với văn hóa người Việt “thương người như thể thương thân” trong ngành Y tế. Mặc dù không hoàn toàn là phổ biến nhưng đã gây sự chú ý của đông đảo người dân trong xã hội ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của ngành Y tế được coi là rất nhạy cảm trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Khi chúng ta đã công nhận những y đức không đẹp không hoàn toàn là phổ biến thì chúng ta hãy tự đi tìm và lý giải vậy cái tốt, cái đẹp ở đâu? Tại sao chúng ta không góp phần để cái tốt cái đẹp của y đức được tôn vinh và ngự trị trong đời sống xã hội tạo ra môi trường, điều kiện tối ưu nhất để cái tốt lấn át, cải tạo được cái xấu để cái tốt được tôn vinh và cái xấu được nhìn nhận đúng với thực chất của nó, không nhất thiết phải bị phóng quá to qua nhiều lăng kính để rồi các chuẩn mực đạo đức vì thế không có động lực để phát huy. Câu chuyện  của gia đình tôi là sự phát hiện  tự nhiên, chân thật  góp phần  minh chứng cho cái đẹp y đức đang hiện hữu trong xã hội chúng ta.mo-tai-benh-vien

Ảnh tư liệu

Cha tôi năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông là cán bộ cao cấp trong ngành Xây dựng nên ông được tiêu chuẩn bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Cũng tại bệnh viện này, cách đây 5 năm, cha tôi phải đặt 2 stent tim, 1 năm sau gia đình tôi nhận được hung tin, cha tôi bị ung thư biểu mô tuyến của phổi ở giai đoạn 4. Năm 2015 lại tiếp tục phát hiện thêm ổ ung thư vòm họng.Ngặt nghèo hơn nữa, do tuổi cao sức yếu, cha tôi không thể hóa trị, xạ trị được mà phải dùng thuốc. Bằng những gì thực tế đã diễn ra cũng như sự chẩn đoán của bác sĩ thì gia đình xác định thời gian ông còn ở dương thế chỉ tính bằng cơ số tháng là rất may mắn và  tốt phúc.

Có ai cận kề với cái chết mới thấy sự sống quý giá đến nhường nào! Khi con cái đối diện với hoàn cảnh cha mẹ sắp bỏ mình ra đi thì mới thấy yêu thương mẹ cha hơn bao giờ hết. Lúc trẻ không nghe lời đôi khi còn cãi hỗn, cãi láo thì nay  sẽ rất ân hận. Con đã thành danh, no đủ, muốn báo hiếu  thì quỹ thời gian của cha mẹ  lại không còn. Gia đình tôi chỉ còn cách khẩn cầu y bác sĩ Bệnh viện hãy giúp cha tôi kéo dài sự sống bằng những gì tốt nhất có thể. Lúc cha tôi tỉnh táo, tôi từng cầu xin cha hãy dũng cảm chiến thắng bệnh tật để gia đình  chúng tôi được thêm thời gian có cha. Lúc đó, cha tôi rất hiền từ chỉ nói: không thể đi ngược đươc quy luật con ạ. Các bạn có thể đã, đang và sẽ rơi vào hoàn cảnh đó mới biết thế nào là đau lòng cảnh sinh ly tử biệt lúc đó chỉ biết nước mắt lã chã tuôn rơi, nỗi đau quặn thắt đến tận tim gan  mà đành phải bất lực chấp nhận.

Tiếp tục câu chuyện của gia đình tôi. Đúng là trong họa có phúc, như có phép mầu đến với gia đình tôi. Kể từ khi phát hiện bệnh ung thư giai đoạn 4 đến nay đã hơn 2 năm, vượt qua mọi sự suy đoán của kinh nghiệm đời thường cũng như y học đối với cha tôi đều không chính xác. Đến giờ, cha tôi vẫn chưa phải về với tiên tổ. Kết quả đó là tổng hợp của sự tiến bộ của KHKT, điều kiện kinh tế, sự nỗ lực bản thân của người bệnh và gia đình nhưng quan trọng hơn cả là sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ Khoa U bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Người trực tiếp theo dõi và chữa trị cho cha tôi là bác sĩ Tâm, phó khoa U bướu Bệnh viện. Nữ bác sĩ này còn rất trẻ, cứ hàng ngày cùng với các y tá trong khoa cần mẫn theo dõi từng li, từng tí diễn biến bệnh tình của cha tôi để điều chỉnh chế độ thuốc, chế độ ăn và dặn dò người nhà phương pháp chăm sóc. Có nhiều ý kiến cho rằng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô không phải là bệnh viện chuyên khoa chữa trị ung thư. Nhưng áp dụng vào trường hợp cụ thể như cha tôi với 2 stent tim và 2 căn bệnh ung thư trong một cơ thể người bệnh trên 80 tuổi, nhờ có các y bác sĩ bệnh viện mà cha tôi vượt qua, lập được nhiều kỷ lục để chiến thắng tử thần. Đó là điều quá kỳ diệu và gia đình tôi vô cùng biết ơn bác sĩ cũng như lãnh đạo Bệnh viện.

Hôm nay như thường ngày, qua buổi sáng đến gần trưa, mẹ con  tôi cho cha tôi ngồi xe đẩy xuống vườn hoa Bệnh viện để hứng nắng. Được một lúc, cha tôi ngủ gục xuống. Chúng tôi nghĩ, cha tôi buồn ngủ đã ngủ gật nên đưa ông về phòng. Khi chúng tôi đứng lẫn trong nhóm người có cả bệnh nhân, người nhà, khách đợi đi vào cầu thang máy thì có một bác sĩ nam, trung tuổi, nhìn cha tôi. Lập tức. vị bác sĩ tiến về phía cha tôi dùng tay nắn và làm một vài động tác trên người cha tôi. Rất nhanh, bác sĩ nói “gia đình cho ông vào cấp cứu ngay, mạch đập rất chậm rồi, đồng tử đã bị giãn”. Khoa ung bướu nằm ở tầng 6. Ngay lập tức, bác sĩ kéo xe đẩy của cha tôi vào phòng cấp cứu  tầng1  Khoa Bệnh nhiệt đới. Lúc đó là 11h30 phút, chỉ có 2 cô y tá ngồi ở bộ phận hành chính. Tôi chạy dọc hành lang tìm được phòng sinh hoạt chung của khoa thì thấy các y, bác sĩ đang ăn trưa. Tôi sợ đến mất bình tĩnh chỉ nói được một câu “Các em ơi, cứu bố chị”.

Lập tức, hơn 10 y tá, bác sĩ không ai nói với ai câu nào bỏ hết bát đũa chạy ra đẩy xe và bế  cha tôi vào phòng cấp cứu. Họ thao tác rất khẩn trương, nhịp nhàng, người nọ chỉ đạo người kia với những động tác chuyên môn rất thuần thục. Người tiêm, người truyền, người giận lồng ngực, người lay, người gọi, người đo huyết áp, người gắn ống thở oxy, người chạy lấy máu… Điều chung nhất là trên gương mặt của họ đều rất căng thẳng, tập trung và lo lắng thật sự. Mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc mà cầu trời, khấn phật cho cha tôi được sống. Trong cả quá trình chạy đôn, chạy đáo giành giật sự sống cho cha tôi, không một y bác sĩ nào hỏi chúng tôi là bệnh nhân ở đâu? Đã đóng viện phí chưa? Vào viện trong trường hợp nào?- Tất cả đều tập trung tuyệt đối vào việc cứu người. Các bạn có biết không lúc đó cảm giác của tôi bên cạnh sự sợ hãi, lo lắng tôi lại có cảm giác đan xen như đang được xem những cảnh như trong phim điện ảnh chứ không phải thực tại.

20 phút sau, chính vị bác sĩ mà chúng tôi gặp ở cầu thang máy ra khỏi phòng cấp cứu thông báo cho chúng tôi biết, cha tôi đã qua khỏi cơn nguy kịch. Lúc đó tôi mới kịp nhìn vào biển tên mới biết anh là bác sĩ Sự ở Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện. Còn không kịp để mẹ con tôi nói lời cám ơn, anh đã vội vã đi ngay. Thêm một lúc nữa, khi việc cấp cứu cha tôi hoàn tất, cha tôi đã được an toàn, các y bác sĩ ra khỏi phòng cấp cứu nói cho chúng tôi được biết, vì căn bệnh ung thư của cha tôi đã di căn lên não nên xảy ra tình trạng suy hô hấp, rất nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó tôi mới thấy từng gương mặt của họ giãn ra có người còn thở phào nhẹ nhõm. Cha tôi được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt tại tầng 6 Khoa U bướu của Bệnh viện. Khi chúng tôi rưng rưng xúc động chào và cám ơn các bác sĩ để đưa cha tôi trở về khoa, các y bác sĩ đáp lại chúng tôi bằng thái độ vui vẻ rất bình thường như chưa hề có chuyện gì ghê gớm xảy ra.

Thật là trân trọng và cảm động! Đây là câu chuyện thật là điều may mắn cha tôi và gia đình tôi được đón nhận.Tôi rất tiếc mà đâu phải ai cũng hoàn hảo và gặp may mắn đâu vì lo lắng và  sợ hãi nên tôi không kịp tỉnh táo để cầm máy điện thoại chụp lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Đối với một người làm báo như tôi không lý gì lại không ngồi đặt bút để viết. Tôi viết để cảm ơn cuộc đời. Tôi viết để tri ân với các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô - những người trực tiếp, gián tiếp mang lại sự sống cho cha tôi. Nếu hôm nay bác sĩ Sự, khoa Tiêu hóa sau khi nhìn thấy cha tôi mà vô cảm, đánh mắt nhìn đi nơi khác; Nếu các y bác sĩ ở khoa Bệnh nhiệt đới chỉ và cố thêm miếng cơm thì ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của cha tôi rồi! Qua đây tôi muốn gửi lời cảm ơn  đến bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đã bản lĩnh, kiên trì  vượt qua những định kiến, kỳ thị phiến diện để xây dựng, kiến tạo lại ngành Y với những chuẩn mực y đức đúng với giá trị cốt lõi. Bằng những gì tôi chứng kiến hôm nay đã minh chứng được việc bà “gieo mầm ngon sẽ gặt được quả ngọt”. Tập thể y bác sĩ hôm nay đây đã tiếp thu và hành động theo đúng tinh thần của tư lệnh ngành do bà chỉ đạo. Không cần phải những phát ngôn gây sốc, không cần phải tập trung cho việc PR hình ảnh, chỉ những nghĩa cử y đức của các y bác sĩ vậy thôi đã đủ để chạm vào trái tim người dân như chúng tôi rồi.

Hạnh Hương