Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ: Chương trình của khát vọng

19:29 09/10/2023

“Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại giai đoạn 2021-2025” là nội dung xuyên suốt của chương trình số 09-CTr/HU huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ghi nhận của phóng viên sau 2 năm thực hiện chương trình này.

Một  góc thị trấn huyện lỵ Bố Trạch.jpg
Huyện Bố Trạch đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập tại Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trải lòng: Bố Trạch có địa hình đa dạng với đủ các loại hình đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển. Đây là vùng đất hội tụ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển. Nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua địa bàn huyện Bố Trạch được kể đến đó là đường Hồ Chí Minh, đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và các tuyến đường tỉnh  lộ tạo thành mạng lưới giao thông ngang, dọc tương đối hoàn chỉnh.

Bố Trạch còn có cửa khẩu Quốc tế Cà Ròong - Nọng Ma (Việt Nam - Lào), có Cảng Gianh nỗi tiếng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt, danh thắng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2. Bố Trạch còn có đường bờ biển dài 24km hình thành nên các khu du lịch nghĩ dưỡng, điểm du lịch. Có bãi tắm Đá Nhảy là địa danh không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với mảnh đất Quảng Bình.

Phát huy những thế mạnh sẵn có của mình, Bố Trạch xác định tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, là khâu đột phá quan trọng của cả nhiệm kỳ. Đây không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà còn của mỗi người dân trong huyện Bố Trạch nhằm thúc đẩy nền kinh tế huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

Biến khát vọng để hiện thực hóa chương trình

Nhận rõ hết tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, các bậc lãnh đạo tiền bối của huyện Bố Trạch đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng là “Tiến quân” lên đồi và “Tiến quân” ra biển. Đây được xem là tư duy sát đúng ở vào thời điểm đó nhằm khai thác vùng đất đỏ bazan phía Tây huyện để trồng cao su, bạch đàn, chăn nuôi đại gia súc, phát triển kinh tế trang trại và “Tiến quân” ra biển của các xã vùng biển như: Thanh Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch và Nhân Trạch nhằm khai thác hải sản xuất khẩu. Tuy vậy, ở vào thời điểm của thế kỷ XXI này, sống nhờ tiềm năng chưa đủ để giàu mà phải biến tiềm năng, tạo ra tiềm năng để nhanh chóng hội nhập và phát triển. Ngày 30/3/2021, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã có kế hoạch chương trình hành động số 09-CTr/HU về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại nhằm huy động tối đa hiệu quả các nguồn lực để phát huy các tiềm năng lợi thế của huyện, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Kết quả bước đầu là đáng ghi nhận

Dành thời gian không nhiều cho phóng viên Tạp chí Daonh nghiệp & Hội nhập, nhưng với sự từng trải của một người đã kinh qua các chức vụ Giám đốc Ban quản lý Dự án, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, ông Bùi Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện đã cho phóng viên một cái nhìn tổng thể về chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giai đoạn 2021-2025.

Được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của tỉnh và các Sở, ban ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, sự tham gia đóng góp của Nhân dân, huyện Bố Trạch đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án, công trình quan trọng đảm bảo kết nối giữa các vùng miền, liên kết nông thôn với đô thị, tạo điều kiện để khai thác hết tiềm năng lợi thế của huyện. Vì vậy, đến nay, hạ tầng đô thị của huyện Bố Trạch đã có bước phát triển đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn miền núi từng bước được thu hẹp, đời sống người dân được cải thiện. Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đến nay, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 2.132 tỷ đồng (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương). Trong đó đầu tư cho Hạ tầng giao thông chiếm tỷ lệ 53,7%, Giáo dục đào tạo chiếm 17,6%, Nông nghiệp chiếm 10,67%, Văn hóa thể thao và Du lịch chiếm 7,20%, Hạ tầng đô thị và khu dân cư chiếm 4,6%, Điện lực 2,30%, Hạ tầng cấp thoát nước 2,6%, Hạ tầng thương mại 0,32%. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 17/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68% (mục tiêu của chương trình này đề ra cuối năm 2025 đạt 80%). Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện Bố Trạch đều có bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ. Ví như hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã được đầu tư nâng cấp, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo sự đột phá trong việc cải tiến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh và của huyện, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông từng bước và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, như: tuyến đường ven biển, nâng cấp mở rộng đường tỉnh lộ 562, tuyến đường nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường từ tỉnh lộ 561 đi cầu Sông Trước, thị trấn Hoàn Lão, đường liên xã Phú Trạch đi Sơn Lộc, tuyến đường liên xã Trung Trạch - Đại Trạch - Nhân Trạch; tuyến đường liên xã Hoàn Trạch - Phú Định… các tuyến đường nội thị thị trấn Hoàn Lão, Nông trường Việt Trung và thị trấn Phong Nha.

Các công trình thủy lợi bến cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá, đê biển được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Có 8 hồ chứa được xây dựng tuân thủ theo phương án đảm bảo đủ nước cho mùa hè, an toàn trong mùa mưa lũ, hệ thống đê biển tại xã Nhân Trạch và Hải Phú được nâng cấp. Các công trình bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá Sông Dinh, Đức Trạch, Thanh Trạch đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Nhờ các chương trình dự án đầu tư  và sự quan tâm của ngành Điện, hiện tại hệ thống điện nông thôn trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, hiện nay tỉnh đang đầu tư điện lưới Quốc gia đến tận 2 xã miền núi Tân và Thượng Trạch. Cùng với việc đầu tư hệ thống giao thông, thị trấn huyện lỵ cũng được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng ở các trục đường, góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị mỗi khi về đêm. Nhiều Trạm Y tế xã, thị trấn xuống cấp đã được quan tâm đầu tư. Nhiều trường học các cấp đã được xây dựng mới. Đến nay, toàn huyện đã có 76/107 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở hạ tầng văn hóa, thông tin được đầu tư. 26 xã có Trung tâm văn hóa thể thao ngoài trời và 78,6% Nhà văn hóa thể thao được trang bị một số dụng cụ thiết yếu phục vụ luyện tập cho người dân. Huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từng bước đầu tư cho Khu đô thị Phong Nha và khu vực  ven biển. Hỗ trợ phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển, các khu nghỉ dưỡng theo mô hình cộng đồng. Huyện coi trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Ngoài việc tập trung đầu tư, khai thác thế mạnh của khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện còn chú trọng đến du lịch biển Đá Nhảy, du lịch biển Đức Trạch - Trung Trạch - Đại Trạch - Nhân Trạch và Lý Trạch.

đường vào Động Phong Nha.jpg
Đường vào Động Phong Nha

Đến nay, vùng nông thôn trên địa bàn huyện thực sự đã mang diện mạo nông thôn mới với hàng trăm km đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông và trao đổi hàng hóa. Huyện chú trọng đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo hướng hình thành các khu dân cư mới, kiểu mẫu, khai thác hiệu quả quỹ đất, góp phần chỉnh trang nông thôn. Các điểm dân cư mới được mở rộng và ngày càng đổi mới. Nhà cao 2 - 3 tầng xuất hiện ngày càng nhiều. Số nhà tạm bợ, dột nát ở các vùng quê hầu hết đã được xây mới.

Xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá quan trọng của cả nhiệm kỳ, nhằm tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, huyện Bố Trạch đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ bằng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch. Kịp thời phát hiện những bất hợp lý giữa quy hoạch và thực tế để điều chỉnh. Đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước làm cở sở cho công tác phát triển kết cấu hạ tầng. Huy động ngày càng nhiều đầu tư của xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng và giải quyết việc làm. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để tăng vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu Quốc gia. Huy động khai thác quỹ đất thông qua đấu giá Quyền sử dụng đất. Huyện Bố Trạch cũng đề xuất với UBND tỉnh đưa Danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 337/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo để được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, giải quyết các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, xây dựng cơ bản, chuyển mục đích sử dụng đất… Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm như: Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam, Dự án đường ven biển, đường từ tỉnh lộ 561 đi cầu Sông Trước (giai đoạn 1), tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông…Phấn đấu để đến năm 2025, vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Kết nối Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng với trung tâm huyện và du lịch ven biển, kết nối huyện với thành phố Đồng Hới. Đầu tư hạ tầng đô thị và hạ tầng các khu dân cư tập trung theo hướng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Hình thành và phát triển các Trung tâm thương mại, Trung tâm du lịch, Dịch vụ tổng hợp, Thông tin tư vấn kỹ thuật - thị trường, Dịch vụ khách sạn. Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền. Đẩy nhanh chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Cách nay chưa lâu, huyện Bố Trạch đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, chương trình hành động số 09/CTr-HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ được các đại biểu phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng. Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đột phá của cả nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành từ huyện đến cơ sở đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để có những kết quả bước đầu hết sức quan trọng.

Khát vọng về một quê hương ngày càng giàu đẹp, là động lực để Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bố Trạch vững tin bước tiếp trên chặng đường mới.

Trọng Lãnh