TS. Trần Xuân Lượng: Mở khóa mặt bằng sản xuất, không còn "xin - cho" TS. Võ Trí Thành đề xuất “không hồi tố” để hộ kinh doanh không còn nơm nớp sợ thuế |
Tại Diễn đàn “Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra chiều ngày 8/7/2025, TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Trung ương - cho rằng, muốn đạt được tăng trưởng bền vững, không thể chỉ nhìn vào tốc độ mà còn phải tính đến chất lượng và chiều sâu của phát triển.
TS. Đặng Đức Anh chỉ rõ, công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành có dư địa rất lớn nếu được tổ chức và vận hành đúng cách. Đây là mắt xích quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng tính tự chủ của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần xóa bỏ các điểm nghẽn đang tồn tại trong thể chế, bao gồm cả về luật pháp, chính sách khuyến khích và thủ tục hành chính.
![]() |
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Trung ương |
Không dừng lại ở đó, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh vai trò của hạ tầng cứng và mềm trong phát triển dài hạn. Những lĩnh vực như vận tải, dịch vụ kho bãi, logistics, du lịch và tài chính đều là các trụ cột quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng nếu được đầu tư đồng bộ sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng, giúp lan tỏa lợi ích tới nhiều khu vực địa phương.
Về nông nghiệp, TS. Đặng Đức Anh khẳng định, đây vẫn là trụ đỡ truyền thống và không thể thay thế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, đặc biệt với các vùng nông thôn và miền núi. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thông minh và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là cần thiết để nông nghiệp giữ được vai trò trụ cột trong bối cảnh mới.
Một thông điệp lớn được TS. Đặng Đức Anh đưa ra là: Chính phủ cần tiếp tục kiên định với vai trò kiến tạo và phát triển. Cụ thể, cần thúc đẩy các địa phương tái cấu trúc cơ cấu ngành theo hướng khai thác lợi thế riêng biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số thẩm thấu đến từng lĩnh vực, từng cấp quản lý và từng doanh nghiệp. Ông cho rằng, chỉ khi năng lượng, công nghệ và số hóa được tích hợp vào từng ngành thì hiệu quả tăng trưởng mới được nâng cao và bền vững thực chất.
Từ góc nhìn chuyên gia kinh tế vĩ mô, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh có năm lĩnh vực cần đảm bảo trong chiến lược tăng trưởng dài hạn: Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng tiên quyết để tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Mọi chính sách phát triển đều cần đặt trên nền ổn định về tỷ giá, lạm phát và cán cân thương mại.
Thứ hai, chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng nhưng phải kiểm soát rủi ro, tránh gây ra lạm phát cao hoặc bong bóng tài sản.
Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, dễ tiếp cận, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính minh bạch để nâng cao niềm tin của doanh nghiệp.
Thứ tư, bảo vệ môi trường, phát triển xanh, cần tăng trưởng không thể đánh đổi bằng mọi giá. Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy môi trường là yếu tố sống còn trong phát triển dài hạn.
Thứ năm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và liên kết vùng, để tăng năng suất và hiệu quả, Việt Nam cần kết nối các vùng động lực phát triển với vùng khó khăn, từ đó tạo nên hệ sinh thái phát triển đồng đều và hài hòa.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, việc xây dựng một chiến lược tăng trưởng dựa trên ổn định, hiệu quả và bền vững là yêu cầu tất yếu để Việt Nam không chỉ phát triển mạnh mẽ trong ngắn hạn mà còn vững chắc về lâu dài.